Theo tờ Times of Israel, có hai câu chuyện về sự cố trên đang được lan truyền trên các phương tiện truyền thông địa phương. Theo đó, trong một phiên bản, Vòm Sắt cố nhắm vào một chiếc F-15 Ra'am của Không quân Israel (IAF) đang bay qua Gaza và bắn vào nó, vì cho rằng nó là tên lửa do Hamas bắn tới một khu định cư Israel. Trong một phiên bản khác, tên lửa đã bắn trượt mục tiêu ban đầu và sau đó đuổi theo F-15.
May thay, những người điều khiển khẩu đội phòng không Vòm Sắt đã nhận ra sai sót và cho cho nổ quả tên lửa Tamir ngay trước khi nó lao thẳng vào máy bay chiến đấu của Israel, với khoảng cách đủ gần để làm chiếc tiêm kích bị trúng mảnh đạn.
Bất kể câu chuyện nào là đúng, IAF xác nhận phần thông tin cơ bản về sự cố trên, đồng thời khẳng định đang tìm cách rút kinh nghiệm.
“Đây là một sự cố phức tạp, trong đó Không quân được yêu cầu đánh chặn tên lửa và cùng lúc đó là tấn công Gaza. Chúng tôi đang điều tra vụ việc để đưa ra biện pháp cải thiện, cũng như tiếp tục thực hiện các sứ mệnh vì sự an toàn của người dân Israel”, đại diện IAF trả lời kênh Channel 12.
Tuy nhiên, IDF không tiết lộ về việc F-15 bị nhắm mục tiêu như thế nào, vì máy bay được cho là sử dụng công nghệ nhận diện “bạn hay thù” để ngăn chặn những sự cố như trên xảy ra. Trong thời gian 11 ngày giao tranh với Hamas, Vòm Sắt cũng đã bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái Skylark của Israel.
Được biết, quả tên lửa Tamir ngắm bắn vào chiếc F-15 sử dụng ngòi nổ gần để kích nổ đầu đạn nặng 16kg của nó khi đến gần mục tiêu. Hiện chưa rõ nó có thể gây thiệt hại thế nào cho chiếc F-15 vì còn tùy thuộc vào vị trí nó đâm trúng. Chiếc Skylark bị bắn hạ nặng 7kg và tên lửa Qassam của phong trào Hamas bắn cũng chỉ nặng tương đương nên Vòm Sắt có thể nhầm lẫn. Song, một chiếc F-15 ước tính nặng đến 20 tấn, chênh lệch gấp nhiều lần so với tên lửa của đối phương.
Israel đã phóng đi hàng nghìn quả tên lửa Tamir trong cuộc chiến kéo dài 11 ngày ở Gaza. Các trận không kích bắt đầu sau khi Hamas nã đạn pháp vào Jerusalem nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine. Israel đã đáp trả bằng cách dội hỏa tiễn vào các vị trí của Hamas, và phong trào Hồi giáo này cũng trả đũa bằng cách cũng phóng nhiều tên lửa hơn nhằm vào các thành phố khác của Israel.
Vòm Sắt đánh chặn phần lớn lượng tên lửa, nhưng vẫn để hàng trăm quả xuyên thủng lưới phòng thủ dẫn đến việc 13 người Israel thiệt mạng. Ở Gaza, nơi không có hệ thống phòng không, trên 250 người đã thiệt mạng.
Đáng tiếc, hiện lệnh ngừng bắn giữa Israel-Gaza do Ai Cập làm trung gian hồi tháng 5 đã hết hiệu lực, kéo theo những vụ giao tranh leo thang trở lại giữa hai bên. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề Chính trị và Xây dựng hòa bình, bà Rosemary DiCarlo đã kêu gọi Israel cho phép vận chuyển hàng cứu trợ vào khu vực Dải Gaza đồng thời kêu gọi hai bên Israel và Palestine trở lại đàm phán hòa bình với sự trung gian của nhóm Bộ tứ Trung Đông, gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế của LHQ về hỗ trợ nhân đạo nhằm tái thiết khu vực Dải Gaza, bà DiCarlo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp cho hoạt động nhân đạo tại Gaza, sau khi khu vực này bị phá hủy nghiêm trọng trong đợt xung đột leo thang hồi tháng 5 vừa qua. Bà đề nghị lãnh đạo Israel và Palestine, với sự hỗ trợ của Bộ tứ Trung Đông, sẽ trở lại đàm phán nhằm giải quyết các vấn đề chủ chốt tồn tại từ lâu.