The New York Times: Israel đề nghị Mỹ viện trợ quân sự khẩn cấp 10 tỷ USD

Israel đã yêu cầu Mỹ viện trợ quân sự khẩn cấp 10 tỷ USD - tờ The New York Times đưa tin.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại New York, ngày 20/9/2023. Ảnh AP

Dẫn lời 3 quan chức hiểu biết về vấn đề, tờ The New York Times cho hay gói viện trợ hiện đang được Quốc hội Mỹ tập hợp với sự phối hợp của Nhà Trắng và cũng sẽ bao gồm các quỹ dành cho Ukraine, Đài Loan (Trung Quốc), biên giới Mỹ-Mexico.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết trong chuyến thăm Tel Aviv hôm 15/10 rằng các nhà lập pháp Mỹ đã thảo luận về việc cung cấp cho Israel đạn dược thay thế cho hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt, bom dẫn đường chính xác, bộ dụng cụ JDAM để biến bom tiêu chuẩn thành bom chính xác và đạn 155 mm.

Ngay sau cuộc tấn công tàn khốc của Hamas vào miền Nam Israel hôm 7/10, chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần cam kết hỗ trợ cho Israel, bao gồm từ viện trợ quân sự đến các nỗ lực ngoại giao. USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất và tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ, đã được điều động đến khu vực trong khi nhiều viện trợ dưới dạng thiết bị, nguồn lực và đạn dược đã và đang đến tay Israel trong những ngày tới.

Mỹ đã viện trợ cho Israel nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ Thế chiến thứ hai, với tổng trị giá hơn 260 tỷ USD.

Một phân tích của US News cho thấy, Mỹ đã viện trợ kinh tế và quân sự kết hợp cho Israel hơn 260 tỷ USD kể từ Thế chiến II, cộng thêm khoảng 10 tỷ USD cho các hệ thống phòng thủ tên lửa như Vòm Sắt. Đây là mức được cấp nhiều nhất cho bất kỳ quốc gia nào trong cùng khoảng thời gian đó và nhiều hơn khoảng 100 tỷ USD so với Ai Cập, quốc gia nhận được mức hỗ trợ của Mỹ cao thứ hai trong lịch sử.

Trong gần ba thập kỷ - từ năm tài chính 1974 đến 2002 - Israel là nước nhận viện trợ hàng đầu của Mỹ, cũng là thời gian lâu nhất đối với một nước nhận viện trợ hàng đầu kể từ năm 1946, theo số liệu từ ForeignAssistance.gov. 

Vào năm 2021, viện trợ của Mỹ cho Israel lên tới 3,31 tỷ USD, một con số đưa Israel trở lại vị trí dẫn đầu trong số những nước nhận viện trợ vào năm đó. Nhưng vào năm 2022, Mỹ đã cam kết hỗ trợ Ukraine 12 tỷ USD để bảo vệ nước này trong cuộc xung đột với Nga Nga, vượt xa con số 3,18 tỷ USD cho Israel trong cùng năm. Tổng viện trợ của Mỹ trên toàn cầu cho năm 2022 hiện lên tới hơn 60 tỷ USD, một mức chưa từng thấy kể từ năm 1951.

Hôm 16/10, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth nói với các phóng viên rằng cần có thêm nguồn kinh phí được Quốc hội cấp để hỗ trợ đồng thời cho cả Israel và Ukraine. Trong khi đó, Hạ viện Mỹ hiện tại về cơ bản bị tê liệt cho đến khi bầu được Chủ tịch Hạ viện mới sau vụ phế truất ông Kevin McCarthy.

Hầu như tất cả viện trợ của Mỹ cho Israel gần đây là viện trợ quân sự chứ không phải viện trợ kinh tế, dưới hình thức tài trợ tài chính quân sự nước ngoài - gồm các khoản trợ cấp và cho vay của Mỹ dành cho Israel để mua thiết bị và dịch vụ quân sự của Mỹ. Israel thường được phép tiếp cận công nghệ quốc phòng của Mỹ đầu tiên trong khu vực để vượt lên trên các quân đội láng giềng nhằm giành “lợi thế quân sự định tính”.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) ước tính viện trợ quân sự của Mỹ chiếm 16% tổng ngân sách quốc phòng của Israel. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Times of Israel, USNews)
Cơ hội chính trị và thách thức an ninh khi Tổng thống Biden thăm Israel
Cơ hội chính trị và thách thức an ninh khi Tổng thống Biden thăm Israel

Một cuộc gặp trực tiếp sẽ cho phép Tổng thống Biden thảo luận riêng về những lo ngại và những ranh giới đỏ với cuộc tấn công trên bộ tiềm tàng của Israel vào Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN