Dự báo những kịch bản cho cuộc xung đột Israel - Hamas

Bạo lực leo thang giữa Israel và Hamas đã khiến nhiều người đặt câu hỏi khi nào cuộc xung đột sẽ kết thúc và những hậu quả gì sẽ xảy ra trong thời gian đó.

Chú thích ảnh
Những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza, ngày 10/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài Al Jazeera, đến ngày 16/10, ít nhất 2.750 người Palestine đã thiệt mạng trong các trận không kích của Israel, và 1.400 người Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas, trong đó có 286 binh sĩ. Số người chết và bị thương dự kiến sẽ tăng đáng kể khi Israel mở chiến dịch trên bộ, yểm trợ đường không và đường biển nhắm vào Dải Gaza đông đúc dân cư.

Bất chấp một số lời kêu gọi hòa bình, lệnh ngừng bắn lúc này dường như không thể thực hiện được khi xung đột có thể sắp bước vào giai đoạn “nóng”.

Các lực lượng Israel đang ráo riết chuẩn bị tiến hành một chiến dịch trên bộ ở Gaza, tập trung đông đảo binh lực ở giaps Gaza. Israel đã phong tỏa khu vực này, cắt nguồn cung cấp nước, điện, nhiên liệu và thực phẩm cho 2,3 triệu cư dân nghèo khó sau cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào Israel hôm 7/10.

Các chuyên gia Trung Đông cho rằng cuộc xung đột sắp bước vào giai đoạn tàn khốc hơn, đồng thời cho rằng bất cứ dự đoán nào về kết quả cuộc chiến đều là không chắc chắn. Một tâm lý bi quan đang lan rộng về triển vọng giảm leo thang trong thời gian ngắn bạo lực giữa Israel và Hamas, khi mà dân thường được cho là sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Các nhà phân tích về tình hình Trung Đông tin rằng xung đột đang trên đường bước sang một giai đoạn hủy diệt hơn, và rằng kết cục của chiến tranh vẫn chưa rõ ràng.

Ông Yossi Mekelberg, cộng tác viên tại Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, nói với CNBC hôm 13/10: “Thật đáng buồn, trong tâm trí tôi không còn nghi ngờ gì nữa rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi có thể tốt lên”.

Các chuyên gia cũng đồng ý rằng tuần này sẽ rất quan trọng trong việc xác định những rủi ro lớn hơn có thể phát sinh từ cuộc giao tranh Israel - Hamas, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn kéo theo các nước láng giềng và kẻ thù của Israel là một rủi ro rõ rệt.

Hãng tin CNBC đã xem xét một số kịch bản hậu quả có thể xảy ra của cuộc xung đột, từ việc Hamas bị hủy hoại và có khả năng bị tiêu diệt cho đến sự can thiệp quốc tế và lệnh ngừng bắn.

Chú thích ảnh
Mọi người tưởng nhớ Eden Guez, người đã thiệt mạng khi các tay súng Hamas tấn công một lễ hội ở Ashkelon, miền Nam Israel, hôm 7/10/2023. Ảnh: Reuters

Một Hamas bị hủy hoại, bằng bất cứ giá nào?

Israel đã thề sẽ “xóa sổ” Hamas "một lần và mãi mãi"; Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ “đánh bại chúng cho đến chết”.

Sau khi tấn công Gaza bằng các cuộc không kích trong nhiều ngày, giới phân tích cho rằng Lực lượng Phòng vệ Israel, hay IDF, sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ này ngay sau đó, và họ tin rằng sẽ có rất ít hoặc không có sự thương xót nào được thể hiện khi Israel đã thề “nghiền nát và tiêu diệt” những gì là thành trì của Hamas. Hôm 15/10, nguồn tin của tờ New York Times cho biết, quân đội Israel tạm hoãn chiến dịch vì lý do thời tiết bất lợi.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, nói với những binh sĩ đang đóng gần hàng rào ngăn cách với Gaza, rằng: “Hamas muốn có một sự thay đổi và họ sẽ đạt được điều đó. Những gì đã có ở Gaza sẽ không còn nữa".

“Chúng ta bắt đầu cuộc tấn công từ trên không, sau đó chúng ta cũng sẽ tấn công từ mặt đất. Chúng ta đã kiểm soát khu vực này ngay ngày thứ hai (sau 7/10) và chúng ta đang tấn công. Hoạt động đó sẽ chỉ ngày càng gia tăng”, ông Gallant nói thêm.

Chú thích ảnh
Quang cảnh một góc Gaza City sau đợt không kích của Israel. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích cho rằng ngôn ngữ mà chính quyền Israel sử dụng cho thấy sẽ không còn tình trạng bạo lực lẻ tẻ, tấn công bằng tên lửa, giao tranh căng thẳng nhưng ngắn giữa Israel và Hamas vốn đặc trưng trong 18 năm qua. (Hamas nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Gaza vào năm 2007 sau khi Israel rút khỏi lãnh thổ này vào năm 2005).

William F. Wechsler, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Rafik Hariri và các Chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét: “Phản ứng của quân đội Israel sẽ phản ánh thực tế đó, với các hoạt động trên bộ đi kèm với các cuộc không kích. Kết quả có thể xảy ra là Hamas bị triệt hạ đáng kể và sự tàn phá nghiêm trọng ở Gaza”. Ông nói thêm: "Và cũng giống như vụ 11/9 đã được chứng minh là một sai lầm chiến lược lâu dài của Al Qaeda, ngày 7/10 có thể sẽ là một sai lầm chiến lược tương tự đối với Hamas.”

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak nói với CNBC rằng lực lượng mặt đất của Israel sẽ tiếp quản Dải Gaza trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc chiếm giữ Gaza City có thể phức tạp hơn do lực lượng mặt đất có thể phải cơ động từ tòa nhà này sang tòa nhà khác để giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố, việc này có thể mất vài tuần.

Ông Barak thừa nhận rằng không rõ điều gì sẽ xảy ra với Gaza sau chiến dịch này, đồng thời đề cập đến khả năng một quốc gia Arab khác có thể tạm thời tiếp quản quyền quản lý lãnh thổ. Ông nói, hiện tại mục đích chính là “làm tê liệt” khả năng quân sự của Hamas.

Cái giá phải trả về sinh mạng trong nỗ lực tiêu diệt Hamas của Israel - vì người Palestine hiện không thể rời khỏi Gaza - là mối quan ngại sâu sắc đối với các tổ chức nhân đạo và các nhà quan sát như Mekelberg của Chatham House.

Ông Mekelberg nói: “Nhiều thường dân đã thiệt mạng bên phía Palestine và nếu bạn đang sử dụng lượng sức mạnh như thế này này, cộng với một chiến dịch trên bộ thì sẽ có nhiều người khác bị giết”.

Chú thích ảnh
Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm tại Dải Gaza, ngày 15/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Leo thang bạo lực, nhưng vẫn trong giới hạn

Một kịch bản có thể xảy ra của cuộc chiến hiện tại và khó dự đoán hơn nhiều là liệu các nước láng giềng của Israel, nhiều nước trong đó tiềm ẩn hoặc công khai thù địch với nhà nước Israel, có can dự hay không. Ví dụ, Hamas có các đồng minh ở Syria và Liban, và Iran được cho là nguồn ủng hộ cho Hamas.

Các lực lượng Israel đã phóng tên lửa vào miền Nam Liban, nhắm vào các địa điểm mà họ cho là thuộc về nhóm vũ trang Hezbollah, giống như Hamas, coi Israel là đối thủ.

Syria, ở biên giới phía Bắc của Israel, cũng là một thực thể không thể đoán trước, mặc dù có nhiều hy vọng rằng nước này có thể được kiểm soát phần lớn bởi Nga, quốc gia mà Israel có quan hệ nồng ấm ).

Một số quốc gia lân cận khác, như Saudi Arabia, đã rơi vào tình thế khó xử do cuộc xung đột. Saudi Arabia và Israel - hai đối thủ, nhưng cùng mất lòng tin đối với Iran và Hamas, và nhiều vấn đề khác - đang tìm cách nối lại quan hệ hữu nghị từ trước cuộc tấn công của Hamas, nhưng Riyadh hiện đang chịu áp lực từ cộng đồng người Hồi giáo trong việc hỗ trợ người dân Palestine.

Trong mọi trường hợp, Israel đang trông cậy và đã nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia phương Tây, trong đó các đồng minh tuyên bố rằng họ sẵn sàng hỗ trợ về cả mặt tinh thần và vật chất. Mỹ cam kết hỗ trợ hết sức cho Israel và đã chuyển giao nhanh chóng một lô hàng vũ khí.

Các chuyên gia đồng ý rằng Israel có cơ hội hành động nhưng một số đối tác quốc tế có thể lùi bước nếu xung đột leo thang nhấn chìm các nước láng giềng hoặc gây ra khủng hoảng nhân đạo trên quy mô lớn.

Chú thích ảnh
Dàn xe bọc thép chở quân (APC) của Israel gần biên giới với Liban, miền Bắc Israel, ngày 9/10/2023. Ảnh: Reuters

Jonathan Panikoff, giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft ở Trung Đông: “Những ngày và tuần sắp tới có thể không chỉ định hướng tương lai an ninh của Israel mà còn có thể định hướng tương lai cho vị trí của nước này trong khu vực”.

“Israel, như thường lệ, sẽ được các đồng minh ủng hộ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa. Nhưng chiến tranh càng kéo dài và càng có nhiều cảnh tàn sát, cộng đồng quốc tế sẽ bắt đầu kêu gọi tất cả các bên giảm leo thang”, ông Panikoff lưu ý.

“Jerusalem khó có thể chấp nhận yêu cầu đó trừ khi họ cho rằng họ đã đạt được ít nhất một số mục tiêu của mình", chuyên gia Panikoff nói thêm.

Ông lưu ý rằng mặc dù Saudi Arabia có thể “ủng hộ riêng tư” những nỗ lực của Israel nhằm tiêu diệt Hamas, nhưng thế giới Arab khó có thể làm như vậy, “đặc biệt là khi những hình ảnh từ truyền hình, báo in và mạng X (trước đây là Twitter) đã phơi bày rõ sự chết chóc và sự tàn phá ở Gaza và có khả năng là ở Liban.”

Hoà bình là viễn cảnh xa vời

Một số quốc gia, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đã kêu gọi ngừng bắn ở Israel, nói rằng chỉ có ngoại giao và giải pháp hai Nhà nước - trong đó hình thành một Nhà nước Palestine độc lập cùng với Nhà nước Israel - mới mang lại hòa bình và ổn định.

Tuy nhiên, hiện tại, lệnh ngừng bắn gần như không thể thực hiện được, khi cuộc xung đột có thể sắp bước vào giai đoạn “nóng” của các hoạt động ráo riết trên thực địa.

Các nhà phân tích địa chính trị cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất đối với hòa bình là trước khi chiến tranh nổ ra, quốc tế cũng chưa quan tâm đến một kết quả như vậy.

Chuyên gia Mekelberg nói: “Tôi ước gì quốc tế quan tâm nhiều đến việc đạt được hòa bình từ khi chưa có đổ máu. Có lẽ khi đó chúng ta đã có thể ngăn chặn những thảm họa như vậy và tôi nghĩ mọi người nên chịu trách nhiệm về điều đó.”

Mặc dù ông có một số hy vọng rằng bạo lực hiện tại có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho một nỗ lực mới cho hòa bình và “một cách chung sống thay thế” cho người Israel và người Palestine, dưới bất kỳ hình thức nào có thể xảy ra. Ông Mekelberg nói rằng những người thúc đẩy hòa bình, như ông đã làm, giống như “những tiếng nói trong vùng hoang dã”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNBC)
Người dân ở Dải Gaza đối mặt với ranh giới sống còn
Người dân ở Dải Gaza đối mặt với ranh giới sống còn

Ở phía Nam Dải Gaza, người dân xếp hàng dài trước khu vực nhà tắm công cộng để chờ đến lượt mình. Nhiều người trong số họ không được vệ sinh cá nhân trong nhiều ngày trong bối cảnh Israel cắt nguồn cung nước, điện và lương thực cho vùng lãnh thổ này sau khi bùng phát xung đột với lực lượng Hamas.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN