Phát biểu trước báo giới ngày 20/1, ông Yildirim một lần nữa bảo vệ quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự "Nhành Ôliu" tại tỉnh Afrin với tuyên bố mục đích của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng khủng bố đang ẩn náu tại khu vực này sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu vô số các cuộc tấn công xuất phát từ khu vực Đông Nam Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara không bao giờ có ý định xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Ông cho biết thêm từ ngày 21/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành thêm "nhiều hoạt động cần thiết" tùy thuộc diễn biến của tình hình tại khu vực này. Hoạt động này sẽ có sự tham gia của pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ cùng các tay súng của nhóm Quân đội Syria tự do (FSA) đối lập ở Syria được Ankara hậu thuẫn.
Tuyên bố của ông Yildirim được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch không kích và nã pháo qua biên giới nhằm vào YPG ở Afrin, nhóm được Mỹ ủng hộ song bị Ankara xem là một mối đe dọa an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong các cuộc tấn công ngày 20/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo lực lượng này đã huy động tổng cộng 72 máy bay, nhắm trúng 108 mục tiêu của YPG và phá hủy các mục tiêu của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Hiện toàn bộ số máy bay chiến đấu đã trở về căn cứ. Trong khi đó, theo người phát ngôn của YPG tại Afrin, đã có 10 người, trong đó có 7 dân thường, thiệt mạng và 13 người bị thương trong các vụ không kích mà nhóm này coi là "gây hấn" nói trên. YPG cũng ra tuyên bố lực lượng này sẽ có hành động đáp trả.
Trước diễn biến nói trên, cả Mỹ và Nga đều đưa ra các tuyên bố thận trọng. Mỹ hối thúc các bên liên quan tập trung vào cuộc chiến chống IS, tránh đẩy căng thẳng leo thang. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng nước này Rex Tillerson đã điện đàm với 2 người đồng cấp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song không công bố chi tiết nội dung.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong cuộc điện đàm ngày 20/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và ông Tillerson đã thảo luận về các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định tại miền Bắc Syria cũng như tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc. Nga, hiện đã rút binh sĩ ra khỏi khu vực mà Ankara triển khai chiến dịch quân sự ở Syria, cũng đã kêu gọi các bên kiềm chế.
Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công mới nói trên sau khi ngày 14/1, liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ đứng đầu thông báo kế hoạch phối hợp với các nhóm vũ trang đối lập ở Syria, chủ yếu là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu, để thành lập một lực lượng an ninh dự kiến lên tới 30.000 binh lính hoạt động dọc các khu vực biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, cũng như bên trong Syria.
Các thành viên thuộc đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và YPG là những lực lượng chủ chốt trong SDF được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, trong khi Ankara coi lực lượng này là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới phân tích, chiến dịch tấn công mới này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ankara và Washington tiếp tục leo thang cũng như làm gia tăng quan ngại về bất ổn tại Syria sau 7 năm xung đột.