Thổ Nhĩ Kỳ tìm hiểu khả năng mua máy bay chiến đấu Pháp

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đưa tin Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu Rafales thế hệ hàng đầu của Pháp trong cuộc điện đàm với Tổng thống Emmanuel Macron vào tuần trước.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Ảnh: Dassault-aviation.com

Cuộc điện đàm không nằm trong chương trình nghị sự công khai của ông Macron. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ không đưa ra bình luận nào về vấn đề này. Dassault Aviation, công ty sản xuất máy bay chiến đấu Rafales, cũng không trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên.

Tuy nhiên, ông Erdoğan đã ngày càng quan tâm tới tăng cường hợp tác quốc phòng với các nhà lãnh đạo Tây Âu. Điều này xuất hiện khi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng Quốc hội Mỹ có thể từ chối cung cấp 40 máy bay phản lực F-16 Viper và 80 máy bay F-16C/D thế hệ cũ, bất chấp sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Erdoğan tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Italy sẽ thực hiện các bước tích cực về phòng thủ tên lửa và tham gia vào hệ thống tên lửa phòng không SAMP/T của Pháp-Italy.

Tháng 3 năm nay, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy họ đang cân nhắc mua máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoons. Vào tháng 5, Tham mưu trưởng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ Hasan Küçükakyüz đã gặp người đồng cấp Anh để thảo luận thêm về vấn đề này.

Tuy nhiên, việc mua Dassault Rafales thế hệ mới sẽ đưa quan hệ hợp tác quốc phòng Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ lên một tầm cao mới và có thể đánh dấu một bước thụt lùi ngoại giao đáng kể với Hy Lạp. Trong những tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có quan hệ căng thẳng.

Hy Lạp đã đặt hàng 18 chiếc Rafales vào tháng 1/2021 với giá 1,92 tỷ euro và thêm 6 chiếc một năm sau đó. Theo Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, mục tiêu của nước này rất rõ ràng: xây dựng một “lực lượng ngăn chặn”.

“Chiếc Rafale đầu tiên mà chúng tôi nhận được vào tháng 1/2022 là một lợi thế trên không so với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ", ông Mitsotakis nêu rõ, mặc dù nói thêm rằng các giao dịch quốc phòng với những cường quốc mạnh không nhằm vào bất kỳ nước nào.

Về phản ứng của Hy Lạp liên quan đến thỏa thuận Rafales tiềm năng giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã không đưa ra bình luận, trong khi đảng Syriza đối lập chính ở Hy Lạp cho biết họ đang chờ câu trả lời chính thức từ Paris. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo euractiv.com)
Mỹ gây áp lực lên Iran sau hội nghị thượng đỉnh với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ gây áp lực lên Iran sau hội nghị thượng đỉnh với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ cảnh báo Iran lựa chọn giữa "thỏa thuận hạt nhân" và "phụ thuộc vào Nga".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN