Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một sự kiện ở Dortmund, Đức ngày 12/8. ẢNh: THX/TTXVN |
Theo nhà lãnh đạo Đức, mặc dù việc tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết, song điều này sẽ không dẫn đến việc cắt giảm bất cứ chi tiêu nào dành cho phúc lợi xã hội. Tuyên bố này đi ngược lại với phát ngôn trước đó của Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Đức Jens Spahn rằng việc giảm chi tiêu xã hội sẽ giúp hỗ trợ tài chính cho các kế hoạch tăng chi phí quân sự. Bà Merkel cũng từng nhiều lần tuyên bố chủ nghĩa biệt lập dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, tình hình bất ổn tại châu Phi và Trung Đông,... đồng nghĩa với việc Đức và châu Âu cần đóng vai trò tích cực hơn cho an ninh khu vực.
Trước đó, SPD đã phản đối mục tiêu mà liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel công bố trong cương lĩnh tranh cử, theo đó dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng, phù hợp với mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nước này là thành viên. Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz (Mác-tin Sun-dơ) và Chủ tịch Đoàn nghị sĩ SPD tại Quốc hội liên bang Đức Thomas Oppermann cho rằng việc tăng chi tiêu quân sự cần đi đôi với tăng ngân sách cho các hoạt động ngoại giao, cứu trợ nhân đạo và ngăn ngừa khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo SPD nhận định để đạt mức chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, Đức sẽ phải tăng gấp đôi khoản ngân sách 37 tỷ euro (43,65 tỷ USD) dành cho quân đội hiện nay, điều sẽ khiến Đức trở thành cường quốc quân sự lớn nhất châu Âu - một mục tiêu mà "không ai mong muốn". Hai chính trị gia này đồng thời cáo buộc Thủ tướng Merkel "đầu hàng" các yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
SPD đang nỗ lực chạy đua với liên đảng CDU/CSU trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tới. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, liên đảng bảo thủ CDU/CSU đang dẫn trước SPD khoảng 15%.