“Về bình luận đào tạo binh sĩ Ukraine trên đất Ukraine của Pháp, Thụy Điển không thảo luận về đề xuất này”, nhà ngoại giao hàng đầu nước này nói với hãng tin Euractiv. Ông Billstrom cũng chỉ ra rằng ông coi các cuộc tranh luận đang diễn ra về khả năng điều quân NATO tới Ukraine là “không đúng thời điểm và gây mất tập trung”.
Khả năng triển khai lực lượng bộ binh của phương Tây tới Ukraine đã được thảo luận tại một hội nghị ở Paris ngày 26/2. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp chưa thống nhất về vấn đề này. Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hiện tại không có sự đồng thuận nào, nhưng “không thể loại trừ điều đó trong tương lai”.
Hội nghị này có sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và thủ tướng của 20 nước Liên minh châu Âu (EU). Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu James O'Brien đại diện Mỹ tham dự hội nghị này. Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng tham có mặt tại sự kiện.
Ngày 27/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh này không có ý định điều quân tới Ukraine. Lãnh đạo các nước CH Séc, Ba Lan, Đức, Thụy Điển cũng có quan điểm tương tự.
Về phần mình, khi được hỏi liệu những tuyên bố như vậy của Tổng thống Pháp có đang đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân hay không, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin khẳng định: “Có”.
Ông Naryshkin cho biết tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc đưa quân đội NATO đến Ukraine cho thấy “sự vô trách nhiệm” của các nhà lãnh đạo châu Âu.
“Thật buồn khi chứng kiến điều này, thật buồn khi hiểu rằng các nhà lãnh đạo châu Âu và Bắc Đại Tây Dương hiện nay thiếu khả năng đàm phán. Đó là lý do những tuyên bố như vậy rất nguy hiểm”, ông nhấn mạnh.
Trong Thông điệp Liên bang phát biểu trước Quốc hội hôm 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo kịch bản phương Tây đưa quân vào Ukraine có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân.