Trường Đại học Quân y Thứ hai và Đại học Quân y Hải quân Trung Quốc đã phối hợp nghiên cứu và đăng kết quả này trên tạp chí Military Medicine (Anh).
Kênh CNN (Mỹ) cho biết các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát 580 nam thủy thủ thuộc Hạm đội Nam Hải Trung Quốc, trong đó 511 người hưởng ứng cuộc khảo sát và phản hồi. Kết quả là cứ 5 người tham gia khảo sát thì có 1 người gặp vấn đề về tâm thần.
Các thủy thủ tàu ngầm có mức rối loạn lo âu, hội chứng ám ảnh sợ hãi, rối loạn nhân cách và rối loạn dạng cơ thể cao hơn so với đồng nghiệp thuộc lực lượng khác trong quân đội Trung Quốc.
CNN cho biết tàu ngầm Hải quân Trung Quốc có thể hoạt động 2-3 tháng dưới nước. Trong quãng thời gian này, thủy thủ phải sống với tình trạng không gian chật hẹp, nhiều tiếng ồn, dẫn tới rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đánh giá việc tiếp xúc liên tục với ánh sáng nhân tạo cũng dẫn tới vấn đề tâm thần của các thủy thủ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy thủy thủ tàu ngầm có bằng cử nhân hoặc bằng cấp cao hơn thường gặp nhiều vấn đề tâm thần hơn. Theo các nhà nghiên cứu, có hai nguyên do chính. Thứ nhất là những người có bằng cấp cao hơn thường không có nhiều cách để giải tỏa áp lực tâm lý trong môi trường tách biệt. Thứ hai là họ luôn hướng đến “tự do và hòa nhập với xã hội”.
Các nhà nghiên cứu còn nhận định các thủy thủ tàu ngầm năng lượng hạt nhân sẽ chịu vấn đề tâm thần nhiều hơn so với đồng nghiệp phục vụ cho tàu ngầm năng lượng thông thường. Tàu ngầm hạt nhân phức tạp thường cần nhân lực là những thủy thủ được đào tạo chuyên sâu để vận hành. Ngoài ra, các thủy thủ tàu ngầm năng lượng hạt nhân thường lo lắng về viễn cảnh xảy ra sự cố khiến phóng xạ ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Theo báo cáo năm 2019 của tổ chức Sáng kiến chống đe dọa hạt nhân (NTI), Trung Quốc có trên 60 tàu ngầm, trong đó có 10 tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Tàu ngầm đang đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ vào tháng 3/2020 dự đoán Trung Quốc sẽ có thêm 16 tàu ngầm hạt nhân trong thập niên tới.