Theo tờ Jerusalem (Israel), hiện có mâu thuẫn giữa hai thông tin. Một là các báo cáo rằng Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang điều tra để tìm hiểu lý do tại sao hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) hoạt động kém hơn hôm 2/5 vừa qua. Hai là thông tin mà người phát ngôn IDF, Tướng Daniel Hagari tuyên bố rằng “tất cả đều ổn” với hệ thống phòng thủ được đánh giá cao của Israel.
Tính đến hết tháng 4/2023, Iron Dome được cho là vẫn hiệu quả trong việc đánh chặn các tên lửa và rocket từ dải Gaza. Hệ thống này được đánh giá là có hiệu quả 85% vào tháng 11/2012 và 90% vào năm 2014.
Tướng Hagari cho biết hiệu quả chống lại hơn 100 tên lửa của Vòm Sắt từ ngày 2 – 3/5 vẫn đạt khoảng 90%.
Tuy nhiên, trong loạt khoảng 26 quả rocket được phóng từ Gaza vào chiều 2/5, hiệu quả đánh chặn thực sự chỉ đạt gần 60%. Đó cũng là khoảng thời gian xảy ra một số cuộc tấn công gây thương vong nặng nề nhất cho phía Israel.
Vậy lý do của sự khác biệt trên là gì? Trước hết, Tướng Hagari dường như đang đề cập đến toàn bộ 100 tên lửa được đánh chặn trong khoảng thời gian 30 giờ, trong khi những lời chỉ trích và cuộc điều tra nội bộ của IDF tập trung vào loạt tên lửa phóng từ Gaza vào buổi chiều.
Nguyên nhân ở đây có thể là các tên lửa tấn công vào buổi chiều đã khiến Israel mất cảnh giác hơn. Có thể IDF đã không triển khai tất cả các khẩu đội Iron Dome vào vị trí hoặc không có đủ các khẩu đội sẵn sàng chiến đấu vào buổi chiều, thậm chí có thể họ đã hơi bị mất cảnh giác sau khi chỉ bị tấn công bởi một vài quả tên lửa vào buổi sáng 2/5.
Ngược lại, vào tối 2/5 và sáng 3/5, IDF có phần lớn thời gian trong ngày để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tên lửa từ dải Gaza trong bối cảnh không quân Israel (IAF) đã có kế hoạch không kích nhằm vào dải Gaza.
Cũng chính vấn đề sẵn sàng này giải thích tại sao IDF đạt mức hiệu quả kỷ lục vào tháng 8/2022. Tuy nhiên, các nguồn tin trong IDF chỉ ra rằng sự sẵn sàng chiến đấu không phải là lý do khiến Iron Dome hoạt động kém hơn vào chiều 2/5 và họ cho biết IDF có thể sẽ đưa ra một báo cáo về vấn đề này trong những ngày tới.
Mặc dù “sụt giảm” về hiệu quả vẫn không đáng kể đối với Vòm Sắt nhưng lý do mà điều này hiện đang gây tranh cãi là vì trên thực tế, có những mối lo ngại lớn hơn trong tương lai: Liệu có phải Vòm Sắt đã bộc lộ lỗ hổng mới mà các lực lượng ở Gaza đã khai thác được và liệu Israel có gặp nguy hiểm hơn nếu có một cuộc tấn công kéo dài hơn với hàng nghìn quả tên lửa được phóng đi cùng lúc hay không?
Nhìn chung, Israel có một số vấn đề nhỏ liên quan đến khả năng phòng thủ của Iron Dome, nhưng nước này vẫn nắm quyền kiểm soát từ góc độ chiến lược khi sở hữu Vòm Sắt với hiệu quả 85% -96%.