Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Liu Yongtan là một chuyên gia tại Viện Khoa học Trung Quốc. Ở độ tuổi 83, đầu năm nay, ông Liu vừa được trao huân chương cao quý nhất trong giới khoa học cùng với số tiền 1,2 triệu USD vì những cống hiến trong công tác nghiên cứu radar.
Ông Liu cho biết hệ thống radar sóng mặt cao tần (HFSWR) mới của Trung Quốc sử dụng sóng điện cao tần, bước sóng dài và chùm tia rộng. Không giống như các tín hiệu vi sóng hoặc sóng điện ly, sóng bề mặt truyền dọc theo bề mặt hình cầu của Trái đất.
Phiên bản mặt đất của hệ thống có thể phát hiện các vật thể thù địch trên biển và trên không từ khoảng cách hàng trăm km, giúp mở rộng phạm vi của các hệ thống cảnh báo và phòng thủ hàng hải Trung Quốc.
Chuyên gia cho biết bước sóng dài của HFSWR có thể giúp phát hiện máy bay tàng hình – loại máy bay sử dụng vật liệu và thiết kế bảo vệ đặc biệt để trở nên “vô hình” đối với radar vi sóng, nhưng không thể chống lại sóng bề mặt cao tần.
Một ưu điểm khác của hệ thống radar hàng hải này chính là “khả năng miễn dịch” đối với tên lửa chống radar vốn được thiết kế để phát hiện và phá hủy sóng radio từ những hệ thống cảnh báo sớm. Tên lửa chống radar sẽ phải cần đến các ăng-ten lớn để theo dõi sóng mặt cao tần bởi chùm tia của nó quá rộng đối với các ăng-ten hiện có.
Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự Shi Lao đánh giá rằng để có thể sử dụng sóng mặt cao tần trong radar, nhóm nghiên cứu của ông Liu Yongtan vẫn cần phải khắc phục những trở ngại như mất tín hiệu và tiếng ồn nhiễu.
Sau khi hoàn tất, công nghệ của ông Liu có thể ứng dụng làm hệ thống giám sát bờ biển chi phí thấp, tầm bảo vệ khoảng 400km. Công nghệ trên cũng có thể kết hợp với các hệ thống radar sóng điện ly với tầm giám sát lên đến 1.000km.
Với khả năng hoạt động 24/7 trong mọi điều kiện thời tiết, ông Shi Lao cho rằng chi phí vận hành HFSWR sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với máy bay cảnh báo sớm.
Đài truyền hình nhà nước CCTV trước đó đưa tin Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm thử nghiệm radar sóng mặt cao tần tại Weihai, Sơn Đông.