Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin loại tên lửa dài 5 mét này có khả năng di chuyển với tốc độ gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh.
Tên lửa có thể bay theo quỹ đạo khoảng 200 km rồi lặn dưới mặt nước biển thêm một quãng đường dài 20km.
Khi cách mục tiêu khoảng 10km, tên lửa siêu thanh này sẽ chuyển sang chế độ phóng ngư lôi với tốc độ lên đến 100 mét/giây, bằng cách tạo ra một bong bóng khí khổng lồ xung quanh giúp giảm đáng kể lực cản.
Nó cũng có thể thay đổi hướng bay theo ý muốn hoặc lao xuống độ sâu 100 mét để né tránh các hệ thống phòng thủ dưới nước mà không bị mất động năng.
Nhà khoa học chính Li Pengfei cùng các đồng nghiệp cho biết hiện trên thế giới không có hệ thống phòng thủ chống hạm nào được thiết kế để xử lý một cuộc tấn công kết hợp nhanh đến như vậy.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà phát triển là hệ thống điện, vì cần phải tạo ra lực đẩy đáng kể cho tên lửa, cả kể khi ở trên không hoặc dưới nước. Nhưng nhóm của ông Li cho biết vấn đề trên có thể được giải quyết bằng cách sử dụng boron - một nguyên tố nhẹ gây phản ứng mạnh mẽ khi tiếp xúc với cả không khí và nước, giải phóng lượng nhiệt rất lớn.
Nhóm nghiên cứu tại trường Cao đẳng khoa học hàng không và kỹ thuật thuộc Đại học Quốc phòng Công nghệ Quốc phòng ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, vừa công bố bản thiết kế hệ thống động lực của tên lửa đa năng này trên tạp chí Journal of Solid Rocket Technology của Hiệp hội Du hành Vũ trụ Trung Quốc.
Không quân Mỹ đã thêm nguyên tố boron vào nhiên liệu máy bay từ thập niên 1950 để tăng sức mạnh của máy bay ném bom siêu thanh. Tuy nhiên, dự án đó đã bị bỏ dở vì các hạt boron đã bắt lửa mất kiểm soát và giảm dần hiệu suất của động cơ.
Cuộc đua vũ khí siêu vượt âm đã khơi dậy mối quan tâm vềboron trong những năm gần đây. Ví dụ, Trung Quốc đã chế tạo động cơ phản lực khí nén sử dụng nhiên liệu rắn chứa các hạt nano boron để tăng tốc tên lửa lên gấp 5 lần tốc độ âm thanh.