“Tôi nhận thấy rằng cạnh tranh giữa NATO và EU về mặt an ninh đều rất tồi tệ”, Bộ trưởng Blaszczak nói với các phóng viên sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.
Vị quan chức cấp cao này cho rằng các thành viên EU phải chịu trách nhiệm về việc phòng thủ và khẳng định Ba Lan chọn quan hệ đối tác chặt chẽ với Mỹ thay vì quân đội châu Âu.
Năm 2022, EU đã thông qua xây dựng một chiến lược phòng thủ chung, trong đó thành lập một lực lượng triển khai nhanh gồm 5.000 binh sĩ.
Trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là hai trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc thành lập quân đội EU. Năm 2019, Tổng thống Macron nói NATO đã “chết não”, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu theo đuổi chính sách tự chủ chiến lược thay vì phụ thuộc vào NATO từ khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc.
Về phần mình, Ba Lan từ trước đến nay luôn phản đối ý tưởng quân đội EU và thích phụ thuộc vào Mỹ làm người bảo đảm an ninh. Kể từ năm 2019, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tăng cường đáng kể mua vũ khí từ Mỹ. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, chính phủ Ba Lan đã ký thỏa thuận mua hệ thống pháo tên lửa HIMARS trị giá 10 tỷ USD, đồng thời nhận khoản vay 2 tỷ USD từ Washington để hiện đại hóa quân đội. Ba Lan cũng chào đón lực lượng đồn trú thường trực đầu tiên của quân đội Mỹ tới căn cứ ở Poznan.
Tháng 10/2022, Tổng thống Duda tuyên bố Ba Lan tình nguyện để Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington không có kế hoạch chấp nhận lời đề nghị từ phía Ba Lan.
“Chúng tôi có thể khẳng định Ba Lan là đồng minh NATO quan trọng nhất của Mỹ ở sườn phía Đông, bằng chứng là có khoảng 10.000 lính Mỹ đang đóng quân ở Ba Lan”, Bộ trưởng Blaszczak cho biết. Hồi tháng 9, ông dự đoán quân đội Ba Lan sẽ có lực lượng bộ binh mạnh nhất châu Âu trong vòng hai năm nữa, nhờ các khoản vay và mua vũ khí từ Mỹ.