Ông Dmitry Rogozin, cựu Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho hay xe chiến đấu Marker sẽ có thể dễ dàng tiêu diệt các xe tăng của phương Tây, trong đó có Abrams của Mỹ và Leopard của Đức.
Ông Rogozin cho biết hệ thống điều khiển của xe robot Marker có một danh mục điện tử chứa hình ảnh của các mục tiêu trong tầm nhìn và trong phạm vi hồng ngoại.
Theo ông, xe robot này còn có khả năng tự lựa chọn mục tiêu theo mức độ ưu tiên, sau đó tấn công bằng những loại pháo thích hợp.
Được biết, Nga sẽ đưa bốn xe robot Maker đến chiến trường Donbass ở miền Đông Ukraine vào tháng tới. Chúng sẽ được kiểm định tại thao trường trước khi tham gia chiến đấu.
Marker là sản phẩm của Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Công nghệ Android. Theo ông Rogozin, robot này từng được thử nghiệm như một phần của hệ thống an ninh cho sân bay vũ trụ Vostochny.
Phía đơn vị phát triển tuyên bố Marker cũng có thể được dùng làm phương tiện vận chuyển máy bay không người lái cảm tử. Một robot Marker có thể chứa tối đa 16 máy bay không người lái.
Ngoài ra, phiên bản chiến đấu của xe Marker còn được trang bị vũ khí laser có khả năng tấn công máy bay không người lái từ khoảng cách xa, cùng với hệ thống tên lửa chống tăng kết hợp với súng máy hạng nặng hoặc các loại vũ khí khác.
Giám đốc Bảo tàng Phòng không Không quân Nga, đại tá về hưu Yuri Knutov cho biết robot Marker được trang bị hệ thống trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy học.
Quân đội Nga đã sử dụng thiết bị robot trên ở Syria, song bối cảnh chiến trường ở Syria khác biệt đáng kể so với ở Ukraine. Do đó, Nga chỉ gửi bốn xe Maker đến Ukraine để nghiên cứu hoạt động của chúng.
“Bề ngoài, chúng trông giống như những chiếc xe tăng nhỏ. Chúng có thể được trang bị súng máy và tên lửa chống tăng với tầm bắn lên tới 6 km. Chúng có thể được vận hành từ xa hoặc trực tiếp từ máy tính có các yếu tố trí tuệ nhân tạo. Marker cũng có công nghệ thị giác máy, chứa hình ảnh của xe tăng đối phương. Do đó, robot này có thể xác định xe tăng do NATO sản xuất, loại trừ nguy cơ tấn công vào xe tăng của chính họ", ông Knutov nói.
Xe robot Marker cũng có khả năng thiết lập mức độ ưu tiên tấn công, nhằm vào những mối đe dọa nào sẽ gây nguy hiểm lớn nhất trên chiến trường.
“Nhờ công nghệ máy học, robot sẽ cải thiện hiệu suất của chính nó trong quá trình chiến đấu. Những robot như vậy đã được thiết kế cho môi trường đô thị ngay từ đầu. Chúng thường hoạt động với sự hỗ trợ của máy bay không người lái. Ngoài ra, chúng còn phù hợp với nơi có địa hình bằng phẳng, chẳng hạn như vùng Zaporozhye, nơi lực lượng vũ trang Ukraine định triển khai xe tăng của phương Tây”, chuyên gia này kết luận.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams - một trong những xe tăng chủ lực mạnh nhất của Mỹ - thông qua quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine.
Các binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng xe tăng Abrams ở một địa điểm chưa được xác định. Là loại vũ khí cực kỳ phức tạp và đắt tiền, xe tăng Abrams rất khó bảo trì và gây ra thách thức về tiếp tế hậu cần vì vận hành bằng nhiên liệu phản lực. Tổng chi phí của một chiếc xe tăng Abrams có thể khác nhau và có thể lên tới hơn 10 triệu USD cho mỗi chiếc xe tăng khi bao gồm cả việc huấn luyện và bảo trì.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, mở đường cho các quốc gia khác như Ba Lan, Tây Ban Nha và Na Uy cung cấp xe tăng Leopard cho nước này.
Quyết định của Mỹ và Đức được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang giúp Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công tiềm tàng vào mùa xuân nhằm đẩy Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ hiện do Moskva kiểm soát.