Trong năm tài khóa 2023 (kết thúc vào ngày 1/10/2023), Mỹ đạt tổng giá trị 80,9 tỷ USD từ hoạt động chuyển giao vũ khí, dịch vụ quốc phòng nước ngoài và hợp tác an ninh. Việc chuyển giao thiết bị quân sự cho nước ngoài (FMS) này tăng hơn 55% so với mức 51,9 tỷ USD của năm 2022.
Doanh số bán vũ khí trực tiếp của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ sang quốc gia khác cũng đã tăng từ 153,6 tỷ USD lên 157,5 tỷ USD so với năm tài khóa trước đó. Chính phủ Mỹ chấp thuận cả hai hình thức bán hàng nhưng không gia trực tiếp vào đàm phán về xuất khẩu của các nhà sản xuất vũ khí nước này.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyển giao vũ khí và thương mại quốc phòng được coi là những công cụ chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ và tác động tiềm tàng lâu dài đối với an ninh khu vực và toàn cầu.
Trang Vox (Mỹ) cho biết các quan chức Mỹ đã khuyến khích đồng minh ở châu Âu và trên toàn cầu mua vũ khí của mình.
Việc chuyển vũ khí cũng nhằm mục đích thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden với các đối tác châu Âu. Một số đồng minh châu Âu đang mua vũ khí của Mỹ để chuẩn bị cho viễn cảnh xung đột rộng lớn hơn trong khu vực. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt khoản tài trợ 50 tỷ USD cho Ukraine hôm 1/2.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Elias Yousif tại tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Stimson có trụ sở ở Mỹ đánh giá việc tăng doanh số bán vũ khí của Mỹ không hẳn là minh chứng cho thành công trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.
Ông Yousif nói: “Điều này thực sự phản ánh mức độ bất an ở châu Âu và những lo lắng về xung đột ở Ukraine. Tôi không chắc việc tăng tốc chuyển giao vũ khí có thực sự là giải pháp giải quyết hay không”.
Xung đột Israel-Hamas không phải là yếu tố khiến doanh số xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng lên vào năm 2023, vì bùng phát sau khi năm tài chính này kết thúc.