Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Hội nghị. Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Khẳng định việc xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc là chủ trương, chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, là sự phát triển cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, khu vực phòng thủ phải được xây dựng vững mạnh toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận; trên các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, khu vực phòng thủ, phải đặc biệt quan tâm chú trọng xây dựng, nâng cao tiềm lực chính trị tinh thần. Đây là vấn đề có vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định khả năng xây dựng, huy động các tiềm lực khác để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong đó, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương; Ban Cán sự đảng ở các bộ, ngành; Đảng ủy các khối ở Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương được giao trọng trách trực tiếp tham mưu, giúp Quân ủy Trung ương đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, giải pháp xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần; chỉ đạo, hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ và trong công tác quốc phòng, quân sự. Bộ, ngành ở trung ương, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, vận động quần chúng, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân trong xây dựng hoạt động khu vực phòng thủ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là trách nhiệm lớn trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá cao công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương trong xây dựng hoạt động khu vực phòng thủ, với việc đề cao trách nhiệm, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các nghị định của Chính phủ, các chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương.
Với chức năng tham mưu chiến lược, Tổng cục Chính trị và các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương đã chủ động phối hợp nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, đối sách chiến lược về quân sự, quốc phòng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để đề xuất ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
Hệ thống cơ chế, chính sách được bổ sung hoàn thiện và vận hành thông suốt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Cơ chế cấp ủy đảng lãnh đạo; chính quyền quản lý, điều hành; các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể địa phương tham mưu và tổ chức thực hiện ngày càng được nâng cao. Chất lượng xây dựng các tiềm lực, thế trận được củng cố vững chắc. Khả năng phòng thủ của đất nước được tăng cường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...
Tại Hội nghị, đại biểu các cơ quan, đơn vị tập trung thảo luận đánh giá kết quả, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế nguyên nhân; những khó khăn, vướng mắc trong tiến hành công tác phối hợp xây dựng, hoạt động khu vực khu vực phòng thủ giai đoạn 2021 - 2023; phương hướng phối hợp giai đoạn 2024 - 2026; đề xuất, bổ sung một số giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Theo Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong thời gian tới, Tổng cục Chính trị và các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương xác định tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương; các luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ về khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng, tỉnh, thành phố; nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động của các khu vực phòng thủ; phối hợp toàn diện, hiệu quả giữa Quân đội, Công an và các lực lượng trong thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Cùng với đó, các bên liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”; gắn kết chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương có đường biên giới với các nước nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Công tác phối hợp kiểm tra nắm tình hình, kết quả xây dựng, hoạt động khu vực phòng của địa phương, cơ sở được tăng cường, song song với việc phối hợp tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về khu vực phòng thủ chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố đạt kết quả cao, an toàn tuyệt đối.
Đồng thời, Tổng cục Chính trị và các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; thực hiện có hiệu quả việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng ủy quân sự địa phương các cấp, đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố; hoàn thành việc tổ chức thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ quân sự cấp xã, chất lượng công tác phát triển đảng trong lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ...