Kỷ luật chính là sức mạnh của quân đội. V.I. Lênin từng cho rằng: Trong chiến tranh “kẻ nào có kỷ luật cao hơn, có trình độ tổ chức và kỷ luật cao hơn... thì kẻ đó chiến thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua” và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy kỷ luật phải nghiêm minh”.
Giữ nghiêm kỷ luật là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mọi tổ chức quân đội, dù đó là quân đội của một quốc gia, một thể chế chính trị - xã hội, trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Quân đội nhân dân Việt Nam không nằm ngoài đòi hỏi, quy luật phổ quát trên. Do đó, rèn luyện kỷ luật cho mọi quân nhân là điều kiện đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động, mọi tình huống, lúc thường cũng như trong chiến đấu, công tác và sản xuất.
Rèn luyện kỷ luật - chủ trương lớn của Quân đội
Xây dựng chính quy và rèn luyện kỷ luật trong Quân đội là một chủ trương lớn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đã được cụ thể hóa trong các chỉ thị về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện trong toàn quân. Thực hiện chủ trương đó, trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản về công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn, như: Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam…
Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc với nhiều biện pháp thiết thực để duy trì nghiêm kỷ luật Quân đội và pháp luật Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân tăng cường giáo dục ý thức tự giác chấp hành kỷ luật Quân đội, chủ động có kế hoạch tập trung xử lý dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu về kỷ luật. Giữ gìn đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật, không để xảy ra vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, mất an toàn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xem xét đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, khen thưởng, xét đơn vị huấn luyện giỏi hàng năm. Tỷ lệ vi phạm kỷ luật của toàn quân nhìn chung trong những năm qua có xu hướng giảm dần.
Báo cáo đánh giá của Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu) về tình hình kỷ luật Quân đội, duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp chính quy, kỷ luật Quân đội và pháp luật của Nhà nước trong năm 2019 cho thấy: Toàn quân đã phấn đấu đạt 100% đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng có tỷ lệ vi phạm kỷ luật dưới 0,3%, trong đó có 23/61 đầu mối không có vi phạm kỷ luật, đơn vị đạt đơn vị an toàn tuyệt đối, chiếm 37,70%; 27/61 đầu mối có tỷ lệ kỷ luật giảm so với cùng kỳ năm trước; 35/61 đơn vị đầu mối không có quân nhân vi phạm kỷ luật nghiêm trọng...
Nhắc đến kỷ luật Quân đội là nói đến sự tuân thủ có tính bắt buộc đối với mọi quy định của tổ chức, là sự phục tùng vô điều kiện quân lệnh được ban ra trong mọi tình huống. Rèn quân chính là rèn tính tuân thủ để mỗi quân nhân, mỗi sĩ quan có nếp quen và ý thức chấp hành trong mọi hoạt động của mình. Như vậy, sự tuân thủ, tính bắt buộc được coi như một yêu cầu trong kỷ luật quân đội.
Kỷ luật trong Quân đội là sự tuân thủ, song đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, yêu cầu tuân thủ, chấp hành mệnh lệnh không mâu thuẫn với việc thực thi dân chủ trong Quân đội. Trong tư tưởng chỉ đạo xây dựng Quân đội, Bác Hồ và Đảng luôn nhấn mạnh mối quan hệ giữa chấp hành, giữ nghiêm kỷ luật với thực hành dân chủ trong mọi sinh hoạt, hoạt động của Quân đội. Xử lý tốt quan hệ biện chứng này sẽ góp phần phát huy được sức mạnh của các đơn vị.
Tính kỷ luật và sự tự giác cao; kỷ luật và dân chủ; kỷ luật và tình đồng đội, đồng chí; kỷ luật và tình quân dân, là những cặp phạm trù không thể tách rời, tạo nên truyền thống và các giá trị văn hóa, quân sự Việt Nam.
Quản lý, rèn luyện kết hợp động viên bộ đội trong điều kiện hoạt động khắc nghiệt
Vùng 1 thuộc Quân chủng Hải quân đóng quân tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, được giao quản lý một vùng biển rộng từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Đèo Ngang, Hà Tĩnh. Điều kiện hoạt động và nhiệm vụ đơn vị có tính chất đặc thù, một số đơn vị đóng quân nơi núi cao, đảo xa, thường xuyên hoạt động độc lập, dài ngày trong môi trường, khí hậu khắc nghiệt của biển, đảo... Thời gian qua, Vùng cùng với các lực lượng trong Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, do đó, đặt ra những đòi hỏi cao hơn về cả con người và tổ chức; trong đó có yêu cầu về ý thức tổ chức kỷ luật.
Đại tá Trần Xuân Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân cho biết, việc quản lý, rèn luyện kỷ luật, kết hợp với động viên bộ đội được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng và cấp ủy, chỉ huy các cấp xác định là biện pháp quan trọng, từ đó đưa vào triển khai với những nội dung, hình thức đa dạng. Trong đó, làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu, giúp bộ đội nhận thức và hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, tính chất công việc được giao, trong mọi điều kiện hoàn cảnh đều giữ nghiêm kỷ luật; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển.
“Khi đơn vị hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt thì việc duy trì nền nếp chính quy và chế độ công tác gặp rất nhiều khó khăn; nhưng chúng tôi kiên quyết và quyết tâm thực hiện; đây là biện pháp rất quan trọng để hình thành nhận thức, thói quen, hành vi có kỷ luật của bộ đội; góp phần ngăn chặn các nguy cơ xảy ra các vi phạm và mất an toàn”, Đại tá Trần Xuân Văn chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các tiêu chí “5 tốt” đối với cán bộ (Nhận thức, trách nhiệm tốt; Phẩm chất lối sống tốt; Năng lực hành động tốt; Đoàn kết, thương yêu chiến sĩ; Phê bình và tự phê bình tốt) và mô hình “Cán bộ giáo dục chính trị, làm tư tưởng giỏi”, mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”.. đã góp phần giữ vững ổn định tư tưởng để bộ đội yên tâm gắn bó hơn với đơn vị; hướng mọi suy nghĩ, hành động của quân nhân vào hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Càng trong gian khổ, khó khăn, đội ngũ cán bộ của Vùng càng tỏ rõ là người có bản lĩnh, gương mẫu, đi đầu; đồng cam, cộng khổ, luôn giúp đỡ, động viên bộ đội khắc phục khó khăn, là trung tâm đoàn kết sức mạnh, điểm tựa vững chắc cho bộ đội. "Các tàu Hải quân, ngày nào cũng thực hiện chế độ chào cờ. Do vậy, việc biểu dương trước cờ ở các tàu cũng được thực hiện hàng ngày, góp phần khích lệ, động viên, cổ vũ rất lớn đối với bộ đội...", Đại tá Trần Xuân Văn cho biết.
Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) là đơn vị bộ binh, thường xuyên được biên chế đủ quân, có nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng cơ quan, rèn luyện kỷ luật. Hằng năm, Tiểu đoàn tiếp nhận lực lượng lớn chiến sĩ từ các vùng miền khác nhau như: Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội... đến đơn vị công tác. Trình độ nhận thức của bộ đội không đồng đều, văn hóa vùng miền có sự khác biệt. Đặc biệt, đơn vị đóng quân gần khu xử lý chất thải tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ; trong khi phạm vi đóng quân của đơn vị trên diện tích rộng, bộ đội thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, vừa phải huấn luyện, vừa phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất với cường độ cao. Do đó, công tác quản lý, duy trì kỷ luật của đơn vị gặp không ít khó khăn.
Đại úy Trừ Minh Việt, Chính trị viên Tiểu đoàn 6 cho biết, từ những tồn tại trong tình hình thực hiện, duy trì kỷ luật của đơn vị, Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn đã phân tích, đánh giá và nhận định về một số thời điểm nhạy cảm cụ thể, thiếu vắng sự quản lý của cán bộ, khiến bộ đội dễ vi phạm kỷ luật, như: Trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, nhất là sau ăn cơm trưa, sau giờ thứ tám và sau 21 giờ; sau khi đơn vị thực hiện xong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như Hội thao, Hội thi; sau diễn tập; sau khi thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra của cấp trên hoặc khi đơn vị phân tán thực hiện các nhiệm vụ đan xen; thời điểm bộ đội được giải quyết nghỉ phép về thăm gia đình tại địa phương, xa công tác quản lý của chỉ huy đơn vị…
Với quan điểm “có nhận thức đúng sẽ có hành động đúng”, Tiểu đoàn đã tập trung quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc những nội dung cơ bản của quy định áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng; Chỉ thị 91 của Bộ Quốc phòng về tăng cường, quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Chỉ thị 364 của Tư lệnh Quân đoàn về “quản lý, sử dụng điện thoại di động”…
Để theo dõi chặt chẽ, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện vi phạm pháp luật, kỷ luật, theo Đại úy Trừ Minh Việt, Chỉ huy Tiểu đoàn đã hội ý, phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng tới từng cán bộ nhằm đảm bảo việc kiểm tra, chịu trách nhiệm về kết quả chấp hành pháp luật, kỷ luật của mỗi Đại đội, gắn kết quả đó với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Đảng ủy viên. Vì vậy, hằng ngày và đặc biệt vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, chỉ huy Tiểu đoàn thường xuyên xuống kiểm tra, bám nắm và theo dõi việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của các đơn vị.
Tiểu đoàn còn lập kế hoạch, phân công, cắt cử cán bộ kiểm tra vào ban đêm, thành lập các Tổ tuần tra, kiểm soát quân sự để kiểm tra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Chính vì vậy, việc chấp hành các quy định có nhiều chuyển biến tiến bộ rõ rệt. Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn cũng xác định thực hiện tốt việc khen thưởng, xử phạt nhằm góp phần tạo nên tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật, kỷ luật.