Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Quốc phòng Đức đã xác nhận kế hoạch này trước đó. Cùng với hệ thống Patriot, khoảng 300 binh sĩ Đức cũng đã đóng quân tại thị trấn Zamosc của Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 50 km (31 dặm), kể từ đầu năm nay để bảo vệ thị trấn phía Nam và tuyến đường sắt quan trọng tới Ukraina.
Việc triển khai tên lửa Patriot được kích hoạt sau khi một tên lửa của Ukraine đã rơi vào làng Przewodow của Ba Lan hồi tháng 11 năm ngoái khiến 2 người thiệt mạng, trong một sự cố làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến ở Ukraine sẽ tràn qua biên giới.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Đức cho biết việc triển khai không thể kéo dài đến cuối năm nay do các tổ hợp tên lửa Patriot cần để đóng góp quan trọng cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO vào năm 2024 hoặc sẽ được đưa đi bảo trì.
Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo kỳ vọng Patriot đóng vai trò như "viên đạn bạc" có thể giải quyết mọi vấn đề phòng không của Ukraine là "không thực tế".
Mối quan hệ giữa Đức và đảng Luật pháp Công lý (PiS) cầm quyền ở Ba Lan gần đây trở nên căng thẳng, khi hai bên bất đồng về loạt vấn đề, từ chuyển giao vũ khí cho Ukraine đến việc Ba Lan bác bỏ thỏa thuận di cư của Liên minh châu Âu (EU).