Theo hãng tin Yonhap, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo đã ký biên bản hướng dẫn có tên "Các nguyên tắc chỉ dẫn liên minh" sau khi kết thúc Hội nghị Tham vấn an ninh Hàn-Mỹ (SCM) lần thứ 50 diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ tại Washington.
Biên bản trên bao gồm các gói cam kết nhằm duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, tiếp tục duy trì Bộ Tư lệnh lực lượng chung (CFC) và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, và đảm bảo việc bổ nhiệm một tướng 4 sao Hàn Quốc cho vị trí chỉ huy CFC.
Phát biểu sau lễ ký, Bộ trưởng Mattis khẳng định bản hướng dẫn trên vạch rõ tiến trình chuyển giao OPCON dựa trên các điều kiện thực tế. Ông nhấn mạnh với việc ký kết văn bản này, Mỹ đảm bảo tính liên tục của CFC do Hàn Quốc đứng đầu trong tương lai và liên minh tiếp tục bảo vệ chủ quyền của Hàn Quốc trước mọi mối đe dọa bên ngoài.
Về phần mình, Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo cho hay văn kiện trên được hai nước xây dựng dựa trên tương lai của mối quan hệ liên minh trong vòng 50 năm tới. Theo ông, các nguyên tắc trong văn kiện này sẽ giải quyết được những mối quan ngại an ninh của người dân thông qua phương hướng triển khai hệ thống quốc phòng chung Hàn Quốc - Mỹ sau khi hai nước chuyển giao OPCON, đồng thời khẳng định sự bền vững của liên minh Hàn - Mỹ.
Cùng với bản hướng dẫn trên, cũng tại SCM lần này, Mỹ và Hàn Quốc đã ký nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có bản ghi nhớ về cơ cấu chỉ huy trong tương lai của liên minh, cụ thể một tướng 4 sao của Hàn Quốc sẽ chỉ huy CFC cùng với một tướng 4 sao của Mỹ ở vị trí cấp phó sau khi hai nước hoàn tất chuyển giao OPCON.
Dự kiến Hàn Quốc sẽ nhận chuyển giao OPCON vào cuối năm 2015, nhưng kế hoạch này đã bị hoãn lại vô thời hạn do hai bên nhất trí tiến hành chuyển giao dựa trên tình hình thực tế chứ không phải là theo một thời hạn cụ thể, phần nhiều tùy thuộc vào các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hiện hai quốc gia đồng minh này đang thúc đẩy việc chuyển giao OPCON có cân nhắc các yếu tố khác nhau, như các mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên, năng lực quốc phòng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hàn Quốc. Sau khi chuyển giao, Hàn Quốc sẽ tiếp quản quyền chỉ huy tác chiến thời chiến, trong khi Mỹ đóng vai trò hỗ trợ.