Đây là văn kiện mà Tổng thống Donald Trump đã đe dọa phủ quyết do bao gồm điều khoản đặt tên lại các căn cứ quân sự vốn đang đặt theo tên của các chỉ huy Liên minh miền Nam thời Nội chiến tại nước này.
Với 86 phiếu thuận và 14 phiếu chống, dự luật NDAA đã được thông qua Thượng viện. Đây cũng là lần hiếm hoi phe Cộng hòa tại Thượng viện thể hiện sự bất đồng với ông Trump, mở đường cho cuộc tranh cãi giữa các quan chức Mỹ tại Nhà Trắng vào cuối năm nay. Hồi đầu tuần, một phiên bản khác của NDAA, cũng bao gồm điều khoản đổi tên trên, đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát. Có tới 75% Hạ nghị sĩ ủng hộ văn kiện trên, đủ để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Trump.
Việc đặt tên các nhà lãnh đạo phe Liên minh trong thời Nội chiến Mỹ, vốn là những người sở hữu nô lệ hoặc ủng hộ chế độ nô lệ da màu, cho các căn cứ quân sự hoặc việc dựng tượng những nhân vật này trở thành tâm điểm tranh cãi trong bối cảnh bùng phát làn sóng phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát trên toàn nước Mỹ sau cái chết của công dân da màu George Floyd cuối tháng 5 vừa qua.
Tuy vậy, đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn thể hiện một số bất đồng trong hai phiên bản NDAA, trong đó có vấn đề rút quân tại Đức. Trong khi phe Cộng hòa tại Thượng viện đề xuất cách thức giải quyết kế hoạch trên, thì phiên bản NDAA của phe Dân chủ tại Hạ viện lại chủ trương cấm rút quân khỏi Đức hoặc cấm rút khỏi bất kỳ nơi nào tại châu Âu, trừ trường hợp các tướng lĩnh quân sự Mỹ xác nhận việc điều chỉnh không ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ và các đồng minh.
Như vậy, phía Cộng hòa và Dân chủ sẽ còn phải tiến hành nhiều cuộc đàm phán kín để tiến tới dự luật NDAA cuối cùng, dung hòa được sự khác biệt của hai chính đảng. Dự kiến, tiến trình này sẽ mất nhiều tháng.