Bình thơ với bố vợ

Ở làng, bố tôi là người nổi tiếng kiến thức thơ phú uyên thâm. Thời bộ đội, ông là lính quan trắc cao xạ. Một lần trong buổi liên hoan văn nghệ với chi đoàn địa phương Làng Đỏ, ông đã bình một câu ca dao hay đến nỗi sau đêm liên hoan ấy, có một cô tự vệ làng say anh lính bình thơ như điếu đổ. Giai thoại ấy được minh chứng hết sức hùng hồn bởi rõ ràng mẹ tôi “ngày xưa” là cô dân quân Làng Đỏ một trăm phần trăm. Tôi lại có một em gái nay tròn 22 tuổi. Công tâm mà nói, em gái tôi thuộc hàng “Hoa hậu làng”! Gần nhà tôi lại có một Hải đội Biên phòng. Ở đó có những người lính chưa vợ. Thế là việc gì xảy ra đã xảy ra…!


Nghe đâu, cô em gái tôi yêu tha thiết một chàng thiếu úy tên là Đức ở Hải đội đó. Họ đang “bí mật” tìm hiểu nhau. Vốn là lính quan trắc, bố tôi “tinh” lắm:


- Mẹ mi này, cái Na nhà mình đang yêu đó. Tôi nhìn ánh mắt nó cứ long lanh, lóng lánh như ngày xưa mẹ mi nhìn tôi vậy. Mà rõ là tay người yêu nó là lính. Chính thị! Vì ngày 22 tháng 12 rồi tôi thấy nó tíu tít chạy đi mua cả bó hoa hồng!


- Thì ra cái chi bố mi cũng biết - mẹ tôi ngập ngừng.


- Ái chà bí mật với tôi sao được! Máy bay Mỹ bay tít trên trời tôi còn biết “thằng” gì cơ mà! Cái Na nhà mình “hoa đến thì thì hoa phải nở” thôi. Nhưng tôi cũng phải “mục kích” xem coi chàng rể tương lai của chúng ta ra sao chứ - Ngẫm nghĩ một lúc, bố tôi phán - Chủ nhật này coi như cuộc gặp gỡ đầu năm, mẹ mi bảo cái Na nói với thằng Đức đến gặp tôi. “Phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông”, cụ Nguyễn Du đã dạy thế. Với lại, cũng phải xem chàng rể thơ phú ra sao. Ấy, cái anh thơ văn là nói được nhiều điều lắm. Đúng chứ, phỏng?


Sáng chủ nhật, Đức đến thật. Trông cậu ta đúng là một quân nhân chững chạc: quân phục chỉnh tề, quân hàm, quân hiệu sáng chói. Cậu ta lễ phép chào mọi người, rồi đứng nghiêm như chào cờ! Bố tôi giương mục kỉnh lên:


- Anh đến rồi hử? Đầu xuân chấp hành giờ giấc thế là tốt! Tôi nghe phong thanh anh “có vấn đề” với cái Na nhà tôi phỏng?


- Dạ thưa hai bác, chúng con đang trên đường tìm hiểu ạ. Chúng con cũng định sang xuân này thì xin được thưa chuyện với hai bác ạ!


- Phải thế chứ! Là bộ đội, trong yêu đương chúng mình phải đàng hoàng. Phải báo cáo tổ chức, phải báo cáo gia đình! Tóm lại, đã là tình yêu thì không được tiến hành chiến tranh du kích. Dễ ăn cơm trước kẻng lắm!


Dừng lại một lát, ông thăm dò:


- Anh là sĩ quan, vậy chứ có thơ phú chi không?


Mẹ con tôi giật thót mình. Đến đoạn cao trào rồi đây. Tiếng Đức rụt rè:


- Dạ, ở đơn vị thi thoảng làm báo tường chúng con cũng có làm thơ…


Bố tôi gật gù ra ý đã hiểu. Rồi ông rườm rà:


- Nói cho anh hay, ngày xưa khi còn trẻ trai như anh, tôi chỉ bình có mỗi câu ca dao mà “được” bà nhà tôi đấy!


Mẹ tôi “hức hức” mấy tiếng rồi nguýt sắc lẹm. Nhằm nhò gì ba cái nguýt vặt ấy, bố tôi không để ý. Ông hắng giọng, tiếp:


- Câu ca dao tôi bình dạo ấy tuyệt lắm, thâm thúy lắm! Vậy thì hôm nay cũng là dịp đầu xuân, ta bình thơ chơi. Anh là bộ đội, cái Na là giáo viên, ba cọc, ba đồng cả. Sau này phải biết thông cảm cho nhau vợ chồng mới ấm êm, hạnh phúc. Chủ đề buổi bình thơ đầu xuân này nói về tình cảm vợ chồng! Hay chứ, phỏng?


- Dạ thưa, hay lắm ạ. Dạ, chúng con thường viết những quy định, những khẩu hiệu của đơn vị, của quân đội thành vần, để anh em dễ nhớ, dễ thuộc mà thực hiện. Xét về thể loại, có thể gọi “thoáng” là thơ - khẩu hiệu hoặc khẩu hiệu - thơ (!)


- Được! Thơ khẩu hiệu hay khẩu hiệu thơ đều được cả. Tôi không quan tâm đến thể loại. Miễn là hay, là nói được cái ý tứ của mình. Anh đọc và bình đi xem coi!
Đức quay sang nhìn chúng tôi mỉm cười. Cậu ta xoa xoa hai tay vào nhau:


- Dạ bác đã dạy thế, con xin vừa đọc, vừa bình ạ. Dạ câu đầu: “Súng là vợ, đạn là con”. Dạ, câu này là câu trình bày hoàn cảnh xuất xứ. Chúng con là bộ đội, được Đảng, nhân dân tin yêu giao cho vũ khí để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Chúng con yêu súng như vợ, yêu đạn như con mình. Trong câu này, chỉ có từ vợ và từ con, không có từ chồng. Suy rộng ra, vợ là súng, con là đạn thì chồng là người lính chứ ai vào đó nữa (!) “Ý tại, ngôn ngoại” là ở chỗ đó ạ (!)


- Hay! Ý đó hay! - Bố tôi gật gù - Rõ là “ý tại, ngôn ngoại” rồi!


- Dạ câu thứ hai là: “Thương yêu, chăm sóc sớm hôm chẳng rời” - Đức tiếp tục - Câu này nghĩa đen là nói đến tình cảm của mình với súng đạn. Nghĩa bóng là…
Đức vừa nói đến đó, bố tôi chợt giơ cao tay như cách trọng tài bóng đá thổi còi phạt cầu thủ phạm lỗi:


- Top! Dừng lại! Câu này không ổn! Có hai từ tuyệt đối không ổn! “Thương yêu, chăm sóc” thì được. Còn “sớm hôm chẳng rời”? “Chẳng rời” là thế nào? Hỏng! Anh có nhiệm vụ của anh là người lính, cái Na có nhiệm vụ của nó là giáo viên. “Chẳng rời”! Hừ! Cứ quấn quýt lấy nhau, hóa ra rủ nhau bỏ bê nhiệm vụ à?


Đức cười rất tươi:


- Bố ơi! (Cậu ta chuyển sang gọi bố ngọt xớt cứ như là kiếp trước cậu ta đã từng gọi vậy). Thưa bố, ý hai chữ “ chẳng rời” nghĩa đen là vầy: Súng đạn là vật bất li thân của người lính. Nghĩa ẩn dụ là ngụ ý nói đến sự son sắt, thủy chung của vợ chồng với nhau. Người lính chúng con sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, mà lòng vẫn son sắt, thủy chung với vợ con, với người yêu. Dạ thưa…


- Hay! - Bố tôi vỗ đùi đánh đét - Bình thơ như thế mới là bình chứ! Chỉ một câu khẩu hiệu - thơ mà nói được tình cảm, đạo nghĩa vợ chồng, nói được cả nhiệm vụ của mình là người lính thì giỏi thật! Hay!


Ông xoa tay hít hà, ngẩng đầu lên nhìn cái Na, rồi quay sang nói với mẹ tôi, giọng trẻ ra:


- Trời đất! Mẹ mi trông con bé Na kìa. Sao mà ánh mắt nó nhìn thằng Đức hệt ánh mắt mẹ mi nhìn tôi cái đêm Làng Đỏ năm xưa thế không biết!!!



Nguyễn Xuân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN