Vào những ngày cuối năm, ngồi loay hoay bên những vật dụng làm mứt Tết, mẹ cứ hay ca cẩm về chuyện xưa, chuyện nay. Mẹ nói cái Tết cổ truyền bây giờ không còn như xưa nữa, nó lai căng, mất gốc rồi!
Nhớ những cái Tết thuở xưa, cứ đến khoảng 20 tháng Chạp là mẹ đã chuẩn bị quần áo mới cho anh em chúng tôi. Nhà tuy không giàu nhưng một năm chỉ có mấy ngày Tết, mẹ không muốn con cái lem luốc khó coi. Thường thì mẹ mua vải trắng để may áo, vải màu xanh để may quần. Mẹ mua về, sợ anh em tôi nôn nóng, vội dắt cả đám qua nhà bác thợ may để đo thước tấc. Bao giờ mẹ cũng dặn bác ấy may rộng ra chút ít vì mẹ biết trẻ con mau “nhổ giò” , nếu may vừa khít không khéo chỉ mặc vài lần sẽ chật. Tết xưa là vậy, còn bây giờ, các bác thợ may có phần rảnh rang hơn. Bởi trẻ con bây giờ chẳng chịu để ba mẹ mua vải may đồ. Chúng cho là lỗi thời, quê mùa hoặc “xưa như trái đất”. Chúng nằng nặc xin tiền ba mẹ để tự đến các cửa hiệu thời trang, siêu thị để mua quần áo, tuyệt đối không thích người lớn “can thiệp”. Những bộ quần áo của lũ trẻ thường mang phong cách Hong Kong, Hàn Quốc hoặc các nước phương Tây. Giải thích cho sự hiện đại này, hai đứa con trai tôi thường nói, chúng sợ bị bạn bè cười chê nếu ăn mặc quá “lúa” .
Cái Tết ngày xưa, bánh mứt trong nhà đều do những đôi tay khéo léo của bà, mẹ hoặc các chị tôi làm ra. Bà làm mứt Tết rất khéo nhưng cũng rất khắt khe trong việc chọn nguyên liệu: Đường phải trắng mịn, màu thì làm từ lá dứa, lá cẩm… chứ không mua những ống màu hóa học. Mứt bà làm rất ngon, vừa miệng, không béo cũng không quá ngọt nên khách ăn ai nấy đều cảm thấy thích. Bà cũng là người dạy mẹ và các chị tôi về nữ công gia chánh. Thế mà giờ đây hai đứa con gái tôi chẳng bao giờ chịu làm những việc nữ tính như thế. Chỉ mới đầu tháng Chạp thôi mà chúng đã xôn xao bàn tán xem là sẽ đi chơi ở đâu, mua sắm thứ gì, hẹn hò với ai.... Trong khi việc ở nhà chẳng bao giờ nghe chúng nhắc tới. Mặc dù mẹ và vợ tôi đã dạy cho chúng làm rất nhiều loại mứt Tết, cách gói bánh tét, cắm hoa… nhưng cho đến tận bây giờ chúng vẫn không biết gì cả. Chúng thường nhăn nhó trả treo khi bảo chúng ngồi làm mứt: “Ba mẹ lỗi thời quá! Cần gì phải phí thời gian để ngồi hàng giờ sên mứt. Cứ việc vào siêu thị mua, thứ gì mà chẳng có”. Đồng ý rằng trong nhịp sống hối hả hiện nay, người ta phải cật lực làm việc, nên chuyện nữ công gia chánh của phụ nữ quên dần đi. Nhưng chấp nhận được không khi con gái Á Đông thời buổi ngày nay lại chẳng biết tí gì về nội trợ? Nhìn lại ba cô con gái của tôi đang ngày một trưởng thành về cách sống, thành đạt trong công việc nhưng nữ công gia chánh lại mù tịt, lòng cảm thấy buồn thay!
Bây giờ muốn tìm lại cái Tết ngày xưa sao khó quá!
Nguyễn Thanh Vũ