Thế là đã tới vụ gặt hè thu. Giờ sống trong no đủ, thấy mùa gặt đến thật nhanh. Được thưởng thức những bữa cơm gạo mới dẻo ngọt, lại thấy rưng rưng nhớ về cái thời khốn khó, đói nghèo!
Ngày ấy, câu thành ngữ: "Tháng tám đói qua, tháng ba đói dài" là nỗi ám ảnh với mọi nhà. Sợ nhất là đói tháng ba, lại gặp năm nhuận nữa thì cả làng đói mòn đói mỏi. Khi cánh đồng lúa ngả màu vàng chanh, lòng người đã hướng ra đồng. Cả năm chỉ hai vụ gặt mà năng suất lại thấp bởi toàn giống lúa cũ, cao lưng bụng. Nhiều vụ thất bát. Cả cánh đồng xơ xác, thân lúa lêu nghêu, còm cõi, lá sâu sia, bông lép kẹp. Sào lúa chỉ được mấy chục cân. Nhìn mà nẫu ruột! Từng lượm lúa được gom sẽ sàng, cẩn thận thành từng bó. Gánh lúa nhẹ tênh, lòng người nặng trĩu. Nếu phơi phải gió lào thì gạo “đớn”(gẫy) hết. Có nhà gặt về chỉ đủ trả nợ, đói lại hoàn đói. Mùa gặt mà tiếng cười đùa thưa thớt, trẻ con thẫn thờ, nhăn nhó. Gương mặt người già toàn vết chân chim. Có nhà gặt về chỉ đủ trả nợ, đói lại hoàn đói. Được ăn no cơm không độn là ước mơ xa ngái với trẻ con.
Có vụ được mùa, hạt lúa mẩy, tròn lẳn như lưng thon thiếu nữ. Cả cánh đồng vàng suộm, đầy như mâm xôi. Con châu chấu, con muồm muỗm béo vàng. Khi còn là đứa trẻ, tôi thích và thán phục nhất là lúc các cô gái làng xâu hai bó lúa vào hai đầu đòn xóc nhấc lên. Những bông lúa đều tăm tắp chúc xuống, rung rung vẻ tinh nghịch theo nhịp bước chân người gánh. Mươi lần giở vai là tới sân kho hợp tác xã, lưng ai cũng đẫm mồ hôi.
Rồi trục lúa, phơi thóc. Người nào việc nấy. Vui nhất là ngày chia thóc. Sân kho vui như hội. Ai cũng háo hức được ăn bữa cơm gạo mới không độn. Có thóc, mẹ tôi đội thúng thóc ra đầu ngõ rê. Thúng nghiêng nghiêng theo người mẹ. Thóc từ từ rơi thành hàng mỏng. Hạt lép bay ra trước theo gió. Rồi mẹ xay, giã, giần, sẩy. Những hạt gạo trắng trong, đều tăm tắp, thơm mùi cám. Mẹ tôi bảo: “Gạo rộng như con ong, đúng là hạt ngọc, hạt vàng!”. Ở vùng nước sâu, quê tôi cấy giống lúa dâu, hạt gạo đỏ hồng, ăn đậm đà và ngọt cơm. Thành lệ, mẻ gặt đầu tiên ở quê tôi, nhà ai cũng cúng cơm mới để tạ ơn cha Trời, mẹ Đất mưa thuận gió hòa. Tôi không bao giờ quên hương vị dẻo ngọt, thơm ngậy của cơm gạo mới nấu trong nồi đồng điếu ăn với cá đồng kho bằng niêu đất vùi trấu. Mùa gặt, chim ngói về từng đàn. Bữa xôi nếp cái hoa vàng hấp với chim ngói cũng là niềm hạnh phúc vô bờ!
Giờ công việc gặt hái nhàn hạ hơn. Nhiều giống lúa mới ăn rất ngon cơm. Nhưng được hạt thóc, người nông dân vẫn phải trải qua nắng lửa mưa dầu, phải gồng mình trong bão lũ, mưa giông. Càng thấm thía lời thơ của Trần Đăng Khoa: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bẩy/ Có mưa tháng ba”. Se sắt lòng thương “Khúc ruột miền Trung” luôn phải oằn mình vượt qua lũ bão! Thương cánh đồng lúa sắp vào vụ gặt bị thủy thần tàn phá tan hoang. Đúng là “Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”! Một nghịch lý thấy thật đắng lòng: Lúa được mùa nhưng giá lại rẻ so với công sức và tiền của bỏ ra. ( Có nơi bà con phải chi gần 30 thứ phí). Nghĩ mà xót cho người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời! Mới hiểu vì sao nhiều người dân trả ruộng, ly hương! Lại ước ao ngành nông nghiệp được nhà nước cứu trợ như bất động sản.
Ngày gặt hái, đâu đâu cũng vấn vít “Mùi khói rạ, khói rơm”. Giờ nghĩ lại "Vẫn cay cay mũi, vẫn thơm thơm lòng”. Tôi vẫn theo nếp của mẹ, ngày mùa nấu bữa cơm gạo mới thắp hương Tổ tiên để nguôi ngoai nỗi nhớ về những mùa gặt nhọc nhằn của quê nghèo dấu yêu!