Dì út

Tôi về, dì Út còn đang lúi húi bên đống vải vóc, cặm cụi khâu những tã lót với bao tay cho trẻ sơ sinh. Trán đã lấm tấm mồ hôi nhưng khuôn mặt dì luôn nở nụ cười mãn nguyện. Thấy tiếng tôi chào, dì ngẩng lên, đôi mắt như mừng rỡ nửa như ngại ngùng. Dì nhìn tôi ngạc nhiên:

- Sao mang nhiều đồ cho nặng vậy con?

- Dạ, con về ở với dì đến khi nào dì sinh em bé xong mới đi!

Lâu quá rồi tôi mới lại về căn nhà nhỏ, nơi tôi đã sống suốt cả tuổi thơ êm đềm hạnh phúc bên dì. Vẫn những vụn vải mà trước kia dì thường cho tôi để may vá búp bê, vẫn con mương nhỏ với dòng nước hiền hòa và thi thoảng lục bình ở đâu trôi về từng cụm tím dại cả bờ kênh.


Dì đã thay đổi nhiều quá nhưng không phải thêm vào những nét ưu phiền tuổi tác mà là niềm vui của người sắp làm mẹ. Tôi sà xuống, ghé tai vào lòng dì nghe tiếng đứa bé động cựa. Tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ, vội chạy ra sân nói một câu bâng quơ, sợ dì thấy được những giọt nước mắt sắp tràn ra.

Tôi ở với dì từ khi cai sữa mẹ. Khi đó dì còn trẻ lắm, mới chỉ là cô bé mười lăm tuổi. Vậy mà, dì chăm tôi như một người mẹ thực thụ. Tội nhất là khi tôi chạy lung tung, dì khản giọng gọi mà tôi lờ như không nghe thấy. Có bữa, tôi sang bên kia kênh chơi mà không xin phép dì. Khi phát hiện ra tôi không còn ngủ trên giường, dì hớt hải trên chiếc xe lăn đi tìm. Bờ kênh gập ghềnh, dì cứ nhìn dòng nước mà gào thét đầy sợ hãi. Lát sau thấy tiếng tôi dạ í ới, khuôn mặt hớn hở với chùm dâu gia chín trên tay, loắt choắt qua cây cầu dừa chênh vênh, dì mới ngưng sợ hãi. Đó là lần đầu tiên tôi bị dì đánh đòn. Đánh xong, dì ôm tôi mà khóc: “Con có biết dì lo cho con đến chừng nào không? Con không thương dì sao? Dì không thể chạy theo con, lỡ có chuyện dì biết làm sao chứ?”. Lúc đó, dù bị đòn ê mông nhưng tôi không giận dì mà trách mình. Tôi giận nhất là ông trời đã cướp đi đôi chân của dì, nếu không hẳn dì sẽ đưa tôi đi chơi, dắt tôi qua cầu.

Dì tôi rất đẹp. Vẻ đẹp trên khuôn mặt được dồn tụ bởi sự thiếu hụt của đôi chân. Đôi chân xinh xinh cũng đã từng chạy nhảy, vui đùa. Nhưng sau một cơn sốt cao kéo dài, đôi chân ấy mãi mãi chỉ bằng chân tôi lúc bảy tuổi. Dì không một ngày đến trường nhưng vẫn biết đọc, biết viết. Đặc biệt những câu chuyện cổ tích dì thuộc nhiều vô cùng. Mỗi ngày một câu chuyện mà không câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Khuôn mặt dì rất đỗi ngây thơ và trẻ con. Và dần dần nét ngây thơ ấy mất đi khi tôi rồi những em tôi về ở với dì, rồi đi. Tôi ở với dì lâu nhất. Năm tôi học lớp một, ba mẹ tôi về đón trở lại thành phố nhưng tôi khóc không chịu. Dì bảo: “Anh chị cứ đưa tụi nhỏ về em chăm cho, chứ gửi chúng đi nhà trẻ tội lắm”. Phải thừa nhận dì mát tay nuôi trẻ. Tôi lớn lên vẫn chỉ chăm chăm đợi hè về với dì. Trong lòng tôi, tình cảm dành cho dì còn nhiều hơn với ba mẹ. Có lẽ cũng vì xa mẹ từ nhỏ, thường ôm dì ngủ nên đã quen hơi dì hơn. Ở người dì toát lên một mùi thơm đặc biệt như mùi sữa non. Đó là mùi hương con gái dậy thì nồng nàn trinh nữ. Cho dù không toàn vẹn, nhưng cơ thể dì vẫn dậy lên sức xuân mạnh mẽ. Ngày ông bà ngoại tôi còn sống cũng đã kịp chuẩn bị cho dì một khoản tiền trong ngân hàng và cho dì học nghề máy may điện để không phải đạp bằng chân. Bà ngoại lo xa rằng anh chị em kiến giả nhất phận, dì thiệt thòi nhất chẳng ai lo liệu cho. Thế nhưng chưa ai kịp nghĩ đến chuyện gia đình cho dì thì ông bà mất. Mẹ tôi với trách nhiệm là chị cả nên tháng tháng gửi tiền chu cấp cho dì. Tôi, và những đứa em ít có thời gian về thăm dì hơn. Mình dì cô đơn trong căn nhà nhỏ. Tôi thực sự bất ngờ khi nhận được lá thư rất dài của dì, dì nói rất nhiều và cuối cùng là báo cho tôi một tin, dì sắp có em bé.

Dì là một phụ nữ, cũng có khao khát hạnh phúc lứa đôi, đặc biệt là khao khát được làm mẹ. Có đôi lần, khi vừa chớm nhắc đến chuyện đó, mẹ tôi lại kể lại gia phong tổ tiên có ý đe nẹt dì. Nhà ông ngoại, nổi tiếng nền nếp gia giáo. Vì thế, mẹ tôi không muốn có điều tiếng trong nhà. Nền nếp gia phong ấy đã khiến dì cầm cố, âm thầm chôn vùi khao khát của dì.

Mười bảy tuổi, khi tôi bắt đầu có bạn trai, tôi vẫn tự hỏi, có khi nào dì tôi yêu chưa nhỉ? Tôi kể chuyện về bạn trai, về nụ hôn đầu đời cho dì nghe, dì mỉm cười dịu dàng, nhưng tôi biết trong lồng ngực dì trái tim đang thổn thức. Có lần, tôi vô tình bắt gặp những lá thư tình của dì ở dưới gối, những lá thư chan chứa yêu thương chẳng biết dành cho người đàn ông nào. Thế rồi, một buổi chiều có người đàn ông lạ tìm đến hỏi tên dì. Nhưng khi thấy dì trên chiếc xe lăn đi ra, người đàn ông thay đổi nét mặt ngồi gượng nhẹ một lát rồi ra về. Dì không khóc nhưng buồn nhiều hơn. Chiều chiều, dì ngồi nhìn những bông lục bình tím man mác, ánh mắt buồn vời vợi. Không thấy dì nói nửa lời về chuyện yêu đương. Vậy mà, đùng một cái, tôi biết dì sắp làm mẹ khi cái thai đã sang tháng thứ bảy. Ngạc nhiên, nhưng tôi thấy vui thay cho dì. Dì cũng có quyền được làm mẹ như bao nhiêu người khác. Tôi biết, dì đã nghĩ, nghĩ trong suốt hơn hai mươi năm qua để bây giờ mới dám tự quyết định cho mình có quyền có một đứa con. Tôi đâu biết rằng khi gửi thư báo tin vui cho tôi, cũng là lúc dì gửi cho mẹ tôi lá thư xin được ra khỏi họ tộc.

Tôi về đây là để giúp dì. Vừa tốt nghiệp xuất sắc trường Y, khoa Sản nên tôi hiểu hơn ai hết sinh con đau đớn, khó khăn biết nhường nào huống chi với dì. Tôi cầu mong cho dì sinh nở mẹ tròn con vuông.

Buổi tối, khi đẩy xe cho dì đi dạo mát dọc bờ kênh, tôi thấy bóng một người đàn ông lảng vảng quanh nhà.

- Dì, ai đó?

- Người đó ở làng bên. Anh ta mới đi tù về. Ai cũng sợ, xa lánh hắt hủi đến tội nghiệp.

- Eo, đi tù chắc không phải người tốt rồi !

- Anh ta đi tù vì đánh gã nhân tình của vợ gãy cả tay chân. Bình thường anh ta lành lắm, chỉ lo làm ăn và chỉ biết có vợ. Vậy mà lại bắt gặp vợ bồ bịch giữa ban ngày ban mặt. Sau trận ấy, cô vợ đã bỏ đi, họ lại chưa con cái gì. Thật tội…

- Sao dì biết rõ vậy...?

- Thỉnh thoảng anh ta có mang qua gửi dì mấy bộ quần áo nhờ dì vá sửa.

- Thời này mà còn mặc đồ vá sao dì? Tôi hỏi.

- Anh ta mồ côi từ tấm bé. Giờ thành người đơn độc, mới mãn hạn tù thì đã làm được gì chứ? Sự cảm thương khiến dì ứa nước mắt.

Những ngày dì ở cữ đến gần, dì càng vui thì sự lo lắng của tôi càng tăng lên. Tôi biết, ca sinh của dì sẽ rất khó. Dì tuổi cao lại tật nguyền, tôi đưa dì nhập viện sớm để tiện theo dõi. Dường như trong linh cảm người mẹ dì đã dự cảm được điều gì đó, có lúc dì bỗng nắm tay tôi bảo: “Thủy này, nếu dì có mệnh hệ nào, chỉ cần con hãy cố cứu lấy đứa bé …”. Tôi ôm dì trấn an: “Dì yên tâm, mọi chuyện sẽ ổn thôi mà ….”. Tôi về nhà lấy thêm ít đồ cho dì, thấy người đàn ông có khuôn mặt vuông hôm trước đứng bần thần nhìn vào cánh cửa khóa kín.

- Có chuyện gì thế chú?

- À, tôi… đến lấy mấy thứ quần áo tôi có gửi…

- Xin lỗi, dì con đang trong viện, sắp sinh, khi khác chú quay lại sau nhé!

Tôi lấy đồ rồi tất tả vào bệnh viện. Dì đột ngột chuyển dạ. Tôi gọi điện về cho mẹ. Đầu dây bên kia có tiếng sụt sịt “Mẹ về ngay!”. Tình hình nguy cấp, sức khỏe của dì sút nhanh chóng. Ông bác sĩ kéo tôi ra một góc thì thầm: “Khéo lắm thì chỉ giữ được một, mẹ hoặc con...”. Không thể như thế. Tôi quyết định mổ sớm mới may cứu được cả mẹ và con. Tôi sẽ là bác sĩ chính và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chẳng hiểu sao, tôi chỉ tin tưởng vào chính bản thân mình. Điều này quá liều lĩnh với một bác sĩ mới ra trường. Nhưng tôi không cho phép mình nghĩ thêm đến một từ “nếu”.

Ánh đèn bật lên. Tiếng tít tít của máy móc khiến đầu óc tôi căng muốn đứt tung. Ánh sáng của những tấm ga phủ trắng, hơi thở dì nhè nhẹ. Tôi nghĩ đến những thiên thần.

Có một lần, do bất cẩn, tôi đã rơi xuống cái hố nhỏ nhưng sâu, người ta mới đào. Sau cơn mưa nên hố xâm xấp nước khiến tôi ngấp ngoải. Dì không ngại ngần thả phanh cho chiếc xe lăn lao xuống, chiếc xe lăn ngáng qua miệng hố. Cái dây bảo hiểm giữ dì lại và đôi cánh tay yếu ớt trắng xanh xao của dì nhấc tôi lên. Lúc ấy, dì như một thiên thần. Tôi còn nhớ láng máng, một người đàn ông với gương mặt xạm đen và hơi vuông đã giúp dì cháu tôi thoát khỏi cái cảnh như bị cẩu chới với ấy. Phải rồi! Cái gương mặt chữ điền quen quen…

Một bé trai. Tôi phát vài cái vào mông, nó khóc ré lên. Tiếng khóc như tiếng reo vui, tiếng cười chào cuộc sống. Sự trông ngóng và mong đợi từng giây từng phút của dì tôi đây rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tôi đẩy cánh cửa bước ra. Mẹ cũng về kịp lúc dì sinh. Mẹ ôm lấy tôi khóc nấc lên: “Mẹ xin lỗi!”. Tôi không biết mẹ xin lỗi điều gì? Vì đã từng ngăn cản hạnh phúc của dì hay vì dì đã qua cơn hiểm nghèo? Người thứ hai tôi chạm mặt là người đàn ông với gương mặt chữ điền xương xương, đầy lo âu.

- Dì sinh con trai rồi! Chú vào với dì đi.

Không hiểu sao tôi có thể thốt ra câu nói dễ dàng thế. Nhưng sự có mặt của người đàn ông này ở đây, vào thời khắc này khiến tôi hiểu tất cả.

Người đàn ông ngỡ ngàng rồi như hiểu ra, khóe mắt ông ta ứa những giọt nước mắt trong như sương sớm, nhưng còn đôi môi lại mỉm cười .

Truyện ngắn của Ngô Thị Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN