Anh trai tôi là nhà báo. Vừa rồi anh có chuyến công tác dài ngày ở Trường Sa. Đợt công tác đã xong, khi vừa đặt chân lên đất liền, anh a lô cho tôi, giọng hí hửng: “Anh mang quà Trường Sa về tặng em nè. Em đoán là gì nào?”. Tôi nhanh nhảu: “Lá bàng vuông chứ gì? Em đã dặn nhất định đem về một lá bàng vuông rồi!”. Anh nói ỡm ờ “ Bí mật!...”.
Chiếc hộp được mở, đó là đóa hoa hồng, có hương thơm của biển. Những người lính rất lạc quan. Giữa đảo xa như vậy, một con ốc tượng trưng đóa hồng đang độ hàm tiếu đính trên cọng sắt nhỏ quấn nhựa mỏng màu xanh, một chiếc lá cũng bằng nhựa. Thế là có một đóa hồng làm quà gửi về đất liền. Nhìn đóa hồng từ đảo, kỉ niệm hối hả ùa về. Lòng tự nói với lòng: “Xin lỗi anh, người lính đảo!”…
Anh bây giờ ra sao rồi? Đã mười năm anh nhỉ? Đúng mười năm chẵn, kể từ ngày tôi nhận được thư anh. Mười năm, đã có bao nhiêu nước sông đổ về biển lớn? Mười năm, khoảng thời gian đủ dài để quên một điều gì đó. Anh chắc đã quên em rồi? Ừ, em lẩn thẩn mất rồi. Làm sao lại bắt người ta phải nhớ khi mình hờ hững!...
Ngày đó, tôi là cô sinh viên Sư phạm chăm chỉ, cắm đầu cắm cổ học vì giấc mơ ngày ra trường sẽ về một ngôi trường khang trang ở thị xã. Tôi có nhỏ bạn cùng lớp, người yêu của nhỏ là lính đảo. Mỗi lần nhận được thư của người trong mộng, nhỏ mừng ré lên, đọc đi đọc lại đến nhàu nát, tôi bĩu môi nhạo: “Mai mốt ra đảo dạy học, sinh con… Cho héo đời mày luôn!...”.
Không biết nhỏ và người yêu thực hiện “ý đồ” gì, có một ngày, tất cả các thành viên của phòng G401 đều nhận được thư từ đảo.
Không mặn mà lắm với chuyện làm bạn qua thư từ, tôi lạnh nhạt bóc thư. Anh lính đảo tâm sự về mình, giọng vui vui, têu tếu, không một chút thở than. Tôi lướt qua những dòng giới thiệu tên tuổi, sở thích, cứ như một lí lịch trích ngang, chẳng có gì thú vị, tôi lầm bầm trong bụng khi miễn cưỡng đọc thư. Gần cuối thư, anh bảo rằng, trên đảo, mừng nhất là nhận được thư từ đất liền, nếu tôi hồi âm, chắc chắn anh sẽ đứng tim vì sung sướng. Anh muốn làm bạn với tôi, và mong rằng, một ngày nào đó, Trường Sa sẽ có trường học, có tiếng ê a, có lời giảng mượt mà êm ái của cô giáo…
Lúc nhận được thư anh, tôi đọc rất dửng dưng và gấp thư cất. Cái ước mong của anh, tôi cũng phớt lờ. Tôi còn nghĩ: “Ai dại gì đâm đầu ra đảo dạy hả trời!...”. Tôi không hồi âm, không phải quên mà không muốn hồi âm.
Thư anh tôi đã không hồi âm, có lẽ anh sẽ hụt hẫng, sẽ buồn lắm khi những bức thư đi đều có thư đáp, riêng thư anh thì bặt vô âm tín…
Bây giờ, tôi đã không còn trẻ để rong ruổi với những mộng mơ, cũng không quá già để bảo rằng mình đã thực sự chín chắc. Nhưng nếu phải làm một việc gì để thể hiện sợi dây yêu thương giữa đất liền và biển đảo, tôi sẽ không “đỏng đảnh” mà sẽ dốc lòng làm bằng cả trái tim.
Thời gian không bao giờ trở lại, giá mà ngày xưa tôi đủ “lớn” để biết sống cho một lý tưởng, chắc có lẽ tôi đã trở thành một công dân của Trường Sa. Nói điều này có lẽ đã vô nghĩa...
Anh ơi! Người lính Trường Sa ơi! Em vẫn day dứt vì hành động bất nhã đó của mình. Em sẽ xin lỗi anh bằng chính việc làm của mình... Anh là người lính đảo kiên cường và em… sẽ là cô giáo giỏi. Em sẽ ca ngợi các anh, người lính đảo đang bảo vệ Tổ quốc trong những bài giảng của mình. Như thế có được không anh?...
Nguyễn Thị Bích Nhàn