Giàn bầu tuổi thơ…

Trưa vắng. Ngồi một mình bên hiên, bậc thềm nhà lẳng lặng từng dấu chân ai qua ngõ. Không khí của buổi trưa dường như oi nồng hơn. Những tia nắng run rẩy khắp nơi, bờ cỏ quanh nhà oằn mình trong những sợi nắng vàng ươm, đàn gà con cũng không còn ngơ ngác tìm nhau. Trưa ở quê vốn dĩ bình yên, bình yên như những gì người ta vẫn thường nghĩ. Nhưng hôm nay, trưa lại gay gắt, oi nồng không một tiếng chim, một bóng cây, chẳng có một làn gió thổi qua hiên nhà. Bất chợt tôi thấy nhớ bóng mát giàn bầu êm đềm một thuở...

Ảnh minh họa.



Mỗi buổi trưa, tôi thường theo nội ra giàn bầu để mắc võng đung đưa. Nội thường hát ru tôi ngủ. Nằm ngước mặt lên nhìn những trái bầu đung đưa trong gió, những nụ hoa còn nép mình trong kẽ lá thì bao nhiêu đó cũng khiến miền tuổi thơ tôi trở nên mênh mang và kì diệu. Nội thường kể cho tôi nghe những câu truyện cổ tích; về cái thuở "ban đầu lưu luyến" của ba mẹ tôi. Nội bảo cũng chính giàn bầu trước nhà kết duyên cho ba mẹ gặp nhau rồi nên vợ nên chồng.

Hồi ấy, nhà nội cũng có một giàn bầu. Mẹ tôi qua nhà nội xin một ít hạt bầu khô về trồng thì gặp ba. Chắc cũng tại lưu luyến cái cái giàn bầu ấy nên mẹ tôi về làm dâu nội. Giàn bầu cũng là nơi chứng kiến bao lần tôi bật khóc vì mải mê bắt những con ong bầu bỏ vào cái chai để nghe tiếng oe oe, để rồi bất cẩn lãnh mấy vết chích vào tay. Rồi cả những lần cùng nội chăm giàn bầu bị rết cắn vào chân. Tôi khóc thét cả lên làm nội hoảng, làm nội cứ suýt xoa, rưng rưng dòng lệ vì thương cháu. Từ đó, nội chẳng bảo tôi làm gì cả, một mình nội làm cỏ bón phân. Mà tôi chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, cứ lăng xăng chạy quanh giàn bầu. Có khi nhỡ chân đập dập cả dây bầu nội vừa ươm. Nội chẳng bao giờ đánh tôi như ba mỗi khi tôi làm sai. Mà ngược lại nội ôm tôi vào lòng, dạy tôi những điều chưa biết. Mỗi khi ba đánh tôi, nội thường không nói chuyện với ba những ngày hôm sau đó. Cứ thế tôi được nước làm tới với bao nỗi dại khờ của tuổi nhỏ.

Giàn bầu nhà nội rất sai trái, những lúc ăn không hết nội thường bảo tôi mang cho chú chín, thím ba hay mang ra chợ bán. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cái tô canh bầu thơm lừng của nội, cái vị ngọt thanh mà giờ tôi chẳng tìm đâu được. Chiều nay, ngang qua khu chợ cũ, hình ảnh một bà cụ dắt theo đứa cháu, tay khệ nệ mấy trái bầu làm lòng tôi nao nao nhớ về một tuổi thơ bình yên bên nội.

Người ta thường trở nên vụng về trước những ký ức tưởng chừng chưa bao giờ trở lại. Ngày hôm qua đã là quá khứ, mà đã là quá khứ thì những hoài niệm luôn đưa ta đến những niềm nhớ mênh mang. Dáng nội giờ đã khuất xa, chỉ còn giàn bầu gieo mình trong nắng sớm. Tôi-một người mang giấc mơ làm người của phố. Tưởng đã quen rồi những xanh đỏ tím vàng. Nhưng sao tôi vẫn thèm sao tô canh bầu nội nấu, thèm được ngả đầu vào lòng nội dưới bóng mát giàn bầu xanh miền tuổi thơ tôi.

ĐÀO CHÍ PHÚ
Vết sẹo
Vết sẹo

Mãi đến bây giờ, cánh tay tôi vẫn còn một vết sẹo. Vết sẹo ấy gắn liền cùng bài học đầu tiên cuộc đời dạy tôi về xử thế, đối nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN