Kẻng trường

Tôi vào lớp 1. Ngôi trường tiểu học dành cho dân tạm cư, khá khang trang nếu đem so theo thời chiến nhưng không có trống. Giờ giấc sinh hoạt vào ra được “hiệu lệnh” bằng một chiếc kẻng.

Kẻng là thanh tà vẹt đường ray xe lửa, đầu khoét lỗ, cột treo tòng teng lên cành phượng cổ thụ. Dùi kẻng bằng thanh sắt vuông nặng trịch tháo từ đầu tấm ri sắt Mỹ, gõ kêu rất to. Keng keng, keng keng, tiếng kẻng trường vang vang mỗi sáng mỗi chiều, vọng từ đầu làng trên chí xóm dưới. Kẻng rao gọi đến trường. Kẻng báo vào học, ra chơi. Và “hay ho” nhất luôn là hồi kẻng dài báo tan buổi học, nghe nhẹ nhõm cứ như… tiếng thở phào!

Tiếng kẻng đã trở thành âm thanh đầu tiên “mặc định” cho tôi không khí lớp - trường. Vậy nhưng, trong những bài tập đọc vỡ lòng của tuổi thơ, nội dung trong sách lại toàn nói về… tiếng trống! Tùng tùng tùng, trống nhắc chúng em vào lớp. Tùng tùng, đã đến giờ ra chơi và vân vân. Đem chuyện này thắc mắc cùng cô giáo, cô cũng “bó tay” không biết giải thích sao. Cố gắng lắm cũng chỉ đến nước (miễn cưỡng) động viên lũ trò tí nhau: tại trường mình nghèo, không có trống nên phải dùng kẻng thay. Thôi, các em cố chịu khó hình dung: tiếng trống tùng tùng thì cũng hệt như tiếng kẻng keng keng…

Quả là một ý tưởng “thử thách”.


Tôi đã cố hết sức “đồng bộ” 2 cái âm thanh “tùng tùng keng keng” sao cho nghe tiếng này hình dung ra được tiếng kia; nhưng thất bại. Cái thất bại đầu tiên tôi vấp phải trên cuộc hành trình chữ nghĩa. Thất bại tuyệt đối; bởi gần như suốt những năm thơ ấu, cho dù không ít lần làm tập làm văn tả cái trống (“copy” từ văn mẫu) âm thanh kí ức thực sự trong tôi vẫn chỉ độc nhất tiếng keng keng của chiếc kẻng trường...

Lên trung học, đất nước thời bao cấp, thắt lưng buộc bụng từ A tới Z. Cái trống vẫn là thứ “xa xỉ phẩm” mà không phải trường nào cũng có gan mua. Vào học, ra chơi lại là tiếng kẻng muôn năm. Lần này, kẻng là cái bình chữa lửa (hay bình đựng oxy phế thải gì đó), nặng trịch, cao nghễu, phải dăm người khiêng mới treo nổi lên đà ngang của hiên trường. Bình chữa lửa kín bụng, rỗng lòng, đánh nghe vang, hay hơn thanh tà vẹt đường ray. Không phải “keng keng” mà là “koong koong”, nghe gần giống tiếng chuông! Lũ học trò mê cái kẻng, đứa nào cũng theo “lo lót” bác bảo vệ hòng mong được… đánh kẻng thay! Nắm thóp lũ nhỏ, bác bảo vệ tốt bụng có sáng kiến đem biến luôn món đánh kẻng trường thành… quà tặng cho gương “người tốt việc tốt”! Hiệu quả. Không ít “con ngựa chứng” do mê đánh kẻng mà giảm hẳn “chứng”; chấp nhận tu tỉnh để được phần thưởng mỗi sáng, mỗi chiều cầm dùi kẻng khoái trá mà nện koong koong vô cái bình chữa lửa đu đưa - trong khi bác bảo vệ đứng “giám sát” gật gù vuốt râu, nheo mắt cười khà…

Kí ức kẻng cứ ngân nga, duyên nợ cùng đời học sinh tôi - như tiếng nhạc nền quen thuộc hóa thân thương suốt những tháng năm dài trên hành trình đi tìm con chữ. Năm cuối cùng của cấp 3 (Trung học phổ thông), kẻng trường tôi, rốt cuộc, cũng được thay bằng cái trống. Đã muộn. Hành trang lớp trường tôi mang theo không còn chỗ cho tiếng trống. Duy nhất là những thanh âm “keng keng koong koong” của kẻng gắn với từng kỉ niệm tựu trường hoặc tan trường.

Mà lạ, thi thoảng giờ đây trong những giấc mơ lội ngược dòng kí ức, tôi lại nghe tiếng trống trường của năm cuối cấp cũng thành ra… tiếng kẻng: keng keng, keng keng…

Y Nguyên
Rộn  rã mùa tựu trường
Rộn rã mùa tựu trường

“Em yêu trường em Với bao bạn thân Và cô giáo hiền Như yêu quê hương Cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương!” Lời ca vang lên như nhắc nhở chúng ta đã bắt đầu cho những tháng ngày cắp sách đến trường hồn nhiên và tươi sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN