Trời như đổ lửa, cứ mỗi lần cơn gió nhẹ lướt qua, mặt nước biển lại bốc lên mùi hăng hắc, nóng bức. Vậy mà hàng chục đứa bé đầu trần chân đất, mặt mày đen đúa lại phơi mình trên bãi biển để bắt từng con cua con ốc. Trong số những em áo quần rách bươm, dơ dáy đó, có một đứa gầy gò, đen đúa và đôi mắt phờ phạc, khô khốc khiến cho người đàn bà đứng gần đó cảm thấy động lòng trắc ẩn liền ngoắc em lại hỏi:
- Con tên gì? Bao nhiêu tuổi? Ba má con ở đâu?
Đứa bé bẽn lẽn và rân rấn nước mắt:
- Dạ, con tên Lượm, con không có ba má... con ... 8 tuổi.
Thằng nhỏ nước mũi nước dãi thều thào, nó vừa nói vừa đưa ngón tay chỉ về phía căn chòi thấp lè tè ẩn nấp bên lùm cây cách đó chừng vài trăm thước.
Cả lũ trẻ có mặt lúc ấy đều nhao nhao, hết nhìn người đàn bà rồi lại nhìn thằng Lượm với vẻ ngơ ngác, tò mò không biết là chuyện gì. Bỗng một đứa trong bọn lên tiếng:
- Hồi nhỏ bà Hai trầu lượm nó trước cổng chùa đem về nuôi, đặt cho nó tên Lượm đó cô ơi!
Thấy vậy, người đàn bà cười vã lã rồi bỏ đi với một tâm trạng bàng hoàng.
Vài ngày sau, người đàn bà đó đi cùng với chính quyền địa phương tìm đến nhà bà ngoại thằng Lượm xin nhận nó về làm con nuôi. Lúc đầu Lượm co ro, thụt cổ rồi thút thít khóc nhưng sau khi nghe lời dỗ ngon dỗ ngọt của những người hàng xóm tốt bụng nó mới chịu nghe theo. Đây không phải là lần đầu tiên người đàn bà này ra tay nghĩa hiệp mà trước đây bà cũng đã từng cưu mang, đùm bọc cho hàng chục trẻ em nghèo, mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa như thế.
*
* *
Tôi quen người đàn bà ấy từ khi bà còn là một nữ giao liên, vậy mà cho tới nay tôi cũng chưa hiểu hết về bà vì cuộc đời của bà ta giống như một huyền thoại, càng gần gũi bà tôi càng khám phá thêm nhiều điều kỳ thú. Từ trong chiến đấu cho tới cuộc sống đời thường, lúc nào bà cũng tỏ ra khác hẳn mọi người. Nhiều đêm khuya khoắt, mặc cho mưa gió, nếu được cấp trên phân công, bà đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Tính cách của bà có lúc mạnh bạo như một dòng thác cuồn cuộn chảy, lại có lúc mềm yếu, mỏng manh như sương như khói khiến nhiều người khó hiểu.
Trong chiến tranh chống Mỹ, tuy lớn hơn tôi hai tuổi nhưng bà lại gọi tôi bằng anh, còn tôi thì gọi bà bằng chị - Chị Tư Hồng. Mười sáu tuổi chị đi theo cách mạng, 19 tuổi được kết nạp vào Đảng. Lúc còn là du kích xã, chị rất xinh xắn, thân hình dong dỏng cao, mái tóc đen tuyền chấm ngang thắt lưng, đặc biệt mỗi khi cười hai má đều lúm đồng tiền rất có duyên. Tuy là nữ giới nhưng trong công tác và chiến đấu chị thường tỏ ra thông minh, gan dạ và bản lĩnh, đồng đội ai cũng khâm phục. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị được bố trí công tác ở Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện. Nhân ngày Thương binh liệt sĩ chị được cơ quan cử đến các trại an dưỡng để động viên và an ủi các thương bệnh binh. Trong số các thương binh mà chị tiếp xúc có một người rất trẻ nhưng mặt mày xanh xao tiều tuỵ, gần như kiệt sức. Người đó tên là Thanh, anh bị thương rất nặng, khắp mình mẩy đều băng bó. Hoàn cảnh của anh thật tội nghiệp vì không có ai là người thân chăm nuôi cả.
Sau khi tìm hiểu chị mới biết anh Thanh là con trai lớn trong một gia đình đông anh em, nhà nghèo, cha đi kháng chiến, mẹ suốt ngày tần tảo nuôi con. Đói nghèo đã đẩy anh vào con đường làm thuê, vác mướn rồi đi chăn trâu, ở đợ làm đủ mọi việc nặng nề. Rồi cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến chống Mỹ, anh nhất định đòi theo du kích nhưng vì chưa đủ tuổi nên phải một thời gian sau mới được vào bộ đội. Trong chiến đấu, anh là một người lì lợm nắng sương, bản tính gan góc không hề biết sợ hãi là gì. Suốt thời gian chiến đấu anh đã từng vào sinh ra tử và nhiều lần bị thương. Hiện giờ nhiều mảnh đạn vẫn còn nằm sâu trong da thịt anh, hành hạ anh có lúc phát cơn điên.
Hôm đoàn thăm nuôi mới đến, các y bác sĩ cho biết tình hình sức khỏe của anh rất nguy kịch. Nghe vậy, chị Tư Hồng liền tình nguyện ở lại chăm sóc anh. Chị nói “Còn nước còn tát”, cho dù chỉ còn một chút hy vọng mong manh. Không ngờ sự có mặt của chị đã giúp anh từ từ tỉnh táo hơn. Có lẽ nhờ sự tận tình của các bác sĩ và trái tim nhân hậu của chị đã giúp anh phấn chấn và nhanh chóng phục hồi. Các đồng đội cùng phòng ai cũng tỏ vẻ cảm kích, coi chị như một hộ lý thiên thần, một sứ giả của lòng nhân ái, của niềm tin và hy vọng.
*
* *
Thấy gương mặt anh lúc nào cũng hằn lên những nét nhăn, chị Hồng cảm thấy thương hại và tìm cách an ủi để chia sẻ và bù đắp lại những mất mát lớn lao đồng thời giúp anh giảm bớt những mặc cảm cô đơn. Cuối cùng chị đã tìm ra được một giải pháp lưỡng toàn kỳ mỹ: tự nguyện làm vợ anh.
Nghe tin đó, nhiều người ngạc nhiên và sững sờ hỏi:
- Chị lấy anh Thanh là vì tình yêu hay vì lòng thương hại?
Chị Hồng cười, một nụ cười thật bình dị.
- Tôi lấy ảnh vì ảnh đang cần sự giúp đỡ và chia sẻ của mọi người.
Là một phụ nữ nông thôn nghèo, chị đến với cách mạng bằng tất cả tình cảm trong sáng, hồn nhiên để rồi ngày hòa bình chị lại gắn bó với một anh thương binh, dám hy sinh cả hạnh phúc đời mình cho người đàn ông ấy.
Mối quan hệ tình cảm của hai người tiếp tục trải qua nhiều sóng gió, nhất là sự phản đối của gia đình chị Hồng, nhưng không vì thế mà chị thay đổi ý định. Cuối cùng cơ quan của chị và đơn vị của anh Thanh đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho hai người. Từ một cô gái quê mộc mạc, chất phác rồi trở thành một chiến sĩ, chị chưa có chút kinh nghiệm gì về tình yêu và hôn nhân, nhưng chị vẫn có những ước mơ náo nức và những khoảng trời hy vọng.
Nhưng chuyện đời không phải thế. Kể từ ngày lấy chồng cũng là ngày chị bắt đầu nuốt từng giọt đắng. Nghèo đói, bệnh tật và không khí lạnh nhạt của gia đình, đặc biệt là anh thiếu cái “thiên chức” làm chồng khiến chị như có điều gì uất ức, còn chồng chị thì lúc vui lúc buồn bất chợt.
Nhiều bạn bè râm ran bàn tán trước sau gì rồi tình yêu của hai người cũng cất cánh ra đi. Thế nhưng, chị lúc nào cũng nâng niu và chắt chiu từng chút hạnh phúc, luôn tỏ ra hòa nhã, tế nhị và tìm cách san sẻ với những nỗi đau mất mát của chồng. Còn anh Thanh, nhiều lúc anh cảm thấy dằn vặt, khổ tâm trước sự hy sinh cao cả của chị. Càng thương, càng không muốn làm khổ vợ nên anh đã tìm đủ mọi cách để nói lời chia tay để giải phóng cho chị. Chị bắt đầu cảm thấy giữa hai người như có một điều gì mong manh dễ vỡ, tình yêu không thể tồn tại, nhưng những lúc tỉnh táo chị lại kịp thời xua tan những đám mây mù ám ảnh. Chị thấu hiểu nỗi bất hạnh và trong thâm tâm chị lúc nào cũng coi anh là người đáng thương hơn đáng trách.
*
* *
Thời gian nghiệt ngã trôi đi, nhiều lần đi công tác, chị đã bắt gặp một số trẻ mồ côi thật đáng thương nên chị đã bàn với chồng nhận về làm con nuôi.
Không bao lâu, anh lại được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, bạn bè đến với anh ngày càng đông, cuộc sống bắt đầu trở nên có ý nghĩa.
Chị biết rằng chồng chị không có khả năng giúp chị sinh con nhưng không vì thế mà tình cảm trở nên nguội lạnh, trái lại chị còn động viên an ủi chồng hãy coi những đứa trẻ bất hạnh như con ruột của mình.
Khi cuộc sống dần dần ổn định, chị vừa đi làm vừa học bổ túc văn hóa. Đối với công tác xã hội, chị lại tiếp tục làm công tác từ thiện, hết lòng giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa, điển hình như em Lượm mà chị đã nhận về làm con nuôi. Chính cái phẩm chất cao quý đó đã làm cho chồng chị ngày càng thương yêu và kính phục chị. Nhiều lúc chị tâm sự:
- “Mặc dù cơm bữa đói bữa no nhưng tôi vẫn thấy lòng ấm áp vì sự hy sinh của mình đã được bù lại bằng những nụ cười của trẻ thơ, trong đó niềm vui lớn nhất là chồng tôi đã thay đổi hoàn toàn”.
*
* *
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà năm đứa con nuôi của chị giờ đây đã tốt nghiệp cấp hai, cấp ba, thằng Lượm đã vào đại học. Bất chợt chị bàng hoàng nghĩ lại mới ngày nào mình còn là một cô gái ngây thơ hiền thục rồi lại lao mình vào cuộc chiến đấu thần thánh, sau đó dấn thân vào sóng gió cuộc đời để rồi có được những ngày mãn nguyện và tự tin như hôm nay.
Hoài Phương