Cuốn sách giới thiệu với độc giả 5 vở cải lương tiêu biểu, đã được dàn dựng và biểu diễn ở nhiều nhà hát của nhà biên kịch Phạm Văn Quý. Trong đó có nhiều vở đã giành được những giải thưởng cao như: Vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, biểu diễn và đã đoạt Huy chương Vàng hội diễn sân khấu toàn quốc 2009, giải A - Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Vở “Nước nguồn sâu nặng” được Đoàn Cải lương Nam Định dựng và đoạt giải C - Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam. Tác phẩm “Tình sử Trần triều” do Đoàn Cải lương Nam Định dàn dựng, giành Huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu truyền hình toàn quốc năm 2010. Vở “Chiến trường không tiếng súng” được Nhà hát Cải lương Hà Nội dựng và đoạt giải C - Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có hai vở cải lương cũng đã được dàn dựng và được giới trong nghề đánh giá cao, được nhiều khán giả yêu thích là “Gươm thiêng trao trả hồ thần” và “Cổ tích thời hiện đại”.
Tác giả, nhà biên kịch Phạm Văn Quý năm nay 73 tuổi. Tính từ khi ông viết kịch bản sân khấu đầu tiên đến nay, ông đã có 54 năm sáng tác và có hơn 100 vở kịch được dàn dựng. Trong đó có hơn 50 kịch bản cho sân khấu chuyên nghiệp, hơn 60 kịch bản sân khấu truyền hình và trên 10 kịch bản cho phim truyền hình.
Nói về nhà biên kịch Phạm văn Quý, NSƯT, đạo diễn Lê Chức đã nhận xét: Phạm Văn Quý thuyết phục giới nghề sân khấu bằng các mảng đề tài mà anh đi sâu vào khai thác, rồi… như một người lính dũng cảm và một công dân - nghệ sỹ với trách nhiệm “đẩy” vấn đề và xung đột kịch đến “cao nhất” có thể. Có khi khắc nghiệt đối lập giữa vua - thần - tôi, giữa đồng đội cũ và tội phạm hôm nay, giữa cái hôm qua là tốt mà hôm nay đã lại là “bảo thủ” cản đường, giữa thủy chung và biến dạng của tình người, tình đời, tình vợ chồng, tình yêu, tình đồng chí, đồng đội…