Tôi ra đời trong một trạm xá nhỏ của một xã miền núi hẻo lánh. Ở nơi đó không có phòng đặc biệt cho những người có tiền, tất nhiên là cũng không có kỹ thuật tiên tiến giúp cho sản phụ sinh không đau. Nói chung là tôi sinh ra đời trong một hoàn cảnh không lấy gì lộng lẫy. Khi tôi mở mắt chào đời thì cơn lũ đầu nguồn từ trên núi cao dồn về thị trấn. Nghe ba tôi kể lại thì đêm hôm đó do gió thổi mạnh, làm đổ cây lớn chồng lên hệ thống điện trong thị trấn nên cả thị trấn bị mất điện. Tôi sinh ra đời trong ánh đèn dầu leo lét. Tôi chắc chắn đã khóc trong bóng đêm lập lòe những tia chớp trong không gian của trạm xá chỉ lập lòe những ngọn đèn dầu. Tôi đã chỉ ở lại trong trạm xá ấy đúng một đêm. Và có lẽ bây giờ chẳng có đứa trẻ nào vừa sinh ra đời được ba mình chở mình và mẹ mình trên chiếc xe đạp, băng qua con đường cây cỏ đang bị dập vùi bởi cơn bão lũ đi qua.
Mẹ nói với tôi khi tôi lớn khôn: “ Những đứa trẻ ra đời trong ánh đèn dầu rất thông minh con ạ. Hèn chi con của mẹ thông minh”. Đó là mẹ nói vui, nói để nhắc đến một thời cơ cực của ba và mẹ khi lấy nhau. Một tình yêu muộn màng và đầm đầm những buổi chiều sương lả lơi lượn qua những cánh rừng, là tiếng chim chèo bẻo kêu buồn trong xào xạc lá rừng chạm vào nhau lấn đi dấu chân người giẫm bước. Và tình yêu đó đã đẩy đưa giống như trong một câu chuyện cổ tích, và một phần của câu chuyện ấy là những ngày gian nan trên vùng núi cao, đi lại khó khăn, cảnh quan như chỉ có núi và rừng.
Câu chuyện tình của ba và mẹ có thể là một câu chuyện tình hiếm hoi, mà nếu không có nó, tôi đã không sinh ra trong cuộc đời này. Câu chuyện đó mẹ đã kể cho tôi nghe khi tôi vỡ lòng tình yêu với Khuê, khi tôi đã bước vào đời bằng đôi chân nhẹ nhàng, mà đôi chân đó đã được ba và mẹ nương lên, đứng vững.
Tôi dăm lần giận hờn, dăm lần buồn bã khi chọn Khuê làm chỗ dựa cho cuộc đời mình. Cuộc đời đẩy đưa cho tôi và anh gặp nhau trong liên hoan các cây viết nhỏ do báo Thiếu Niên tổ chức tại Nha Trang. Tôi được phân công biên tập chương trình cho ê kíp quay phát sóng trên chương trình thiếu nhi của đài. Đó là lần đầu tiên tôi tới thành phố biển, thành phố có sức hấp dẫn cho bất cứ người nào khi chạm chân đến. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Từ Hà Nội đến Nha Trang phải vượt qua cả ngàn cây số, cho nên tôi đã chộp lấy cơ hội khi bên báo đề nghị chúng tôi phối hợp thực hiện chương trình.
Thành phố ấy đẹp, những con đường nho nhỏ, dễ thương. Ban đêm mùi gió biển thơm lừng cứ lồng lộng khi tôi xong công việc và cùng đi thả bộ với đồng nghiệp. Và rồi anh xuất hiện như thể anh mới vừa từ một con thuyền đánh cá nào vừa trôi dạt vào bờ. Anh đi chiếc xe máy chậm chậm theo bọn tôi: “ Này, bà Phú, bà có cô bạn tên Thảo ở Đà Nẵng phải không?“. Tôi giật mình nhìn anh. Cả hai ngày làm việc, tôi vẫn bắt gặp anh liên tục chụp ảnh, phỏng vấn. Anh đen đen giống như phơi nắng quá nhiều, mái tóc anh rối bù như thể buổi sáng sau khi thức dậy anh cứ để đầu tóc như thế mà bước ra đường. Tôi không quan sát anh nhiều, bởi con gái ai lại quan sát đàn ông con trai. Bên cạnh đó, tôi rất tự tin mình là một đứa con gái tạm gọi là có nhan sắc.
Thảo, cô bạn học cùng khóa biên tập với tôi ở Hà Nội, trong mấy tháng trời cùng ngồi bên nhau, kể chuyện tâm tình, đi ăn chung, đi dạo chung, đi shopping chung trở thành quen nhau, thân nhau. Nghề biên tập chương trình truyền hình thiếu nhi của hai đứa đôi khi cũng rất thú vị, vì sau đó thỉnh thoảng gặp nhau ở một thành phố nào đó khi có một chương trình liên hoan hay đại hội, gặp mặt dành cho các em thiếu nhi. Đáng lẽ trong chuyến đi này hai đứa sẽ gặp nhau ở Nha Trang. Thảo nói qua điện thoại với tôi; “ Hai đứa mình đi miết chắc ế chồng quá. Hay là chuyến đi này tới Nha Trang hai đứa mình kiếm hai anh chàng đẹp trai ở đó để đỡ tốn cơm. À, mà để tui giới thiệu cho bà anh Khuê, anh chàng này không đẹp trai lắm, nhưng được cái ga lăng và siêng năng chăm sóc con gái”. Rồi Thảo không đến Nha Trang được, do bận công việc nhà. Tôi lang thang một mình ở Nha Trang, thỉnh thoảng ra rảnh thì tán với Thảo cho vui. Con gái chưa chồng đôi khi tán đủ thứ chuyện trên đời, từ mái tóc tới cái áo, chiếc quần cho tới đàn ông, đàn bà. Thảo cho tôi số điện thoại của Khuê, nhưng tôi không gọi anh. Thật lòng khi mấy lần tôi định gọi anh, cho anh biết rằng tôi đang có mặt trên đời này, nhưng rồi tôi từ bỏ ý định đó.
Những ngày ở Nha Trang còn lại của tôi đã có Khuê, rồi cũng từ những ngày đó tôi và anh yêu nhau. Tình yêu đầy tràn trên bàn tay, nhưng tình yêu của chúng tôi lại có sự xa cách vì tôi ở Hà Nội, còn anh ở tận Nha Trang. Cho mãi đến khi anh tìm cách chuyển công việc ra Hà Nội. “Yêu một người như em thì phải tìm cách ở bên cạnh em”. Anh nói thế trong cái đêm Hà Nội ngát hương hoa sữa.
Nhưng tôi chông chênh trong tình yêu của anh cả hai tháng nay. Anh gọi, tôi không nghe máy. Anh nhắn tin, tôi không đọc. Tôi héo hắt giống như lâu ngày không ra phố.
* *
*
Nhà tôi không lớn. Sau bao năm tháng ba và mẹ phấn đấu mới có được nó. Nhà nằm trong một khu tập thể ồn ào xe cộ, râm ran tiếng người.
Tôi nghỉ phép, nằm lỳ trong nhà. Ba bây giờ đã mở một công ty xây dựng nhỏ, công việc bận rộn. Còn mẹ thì ngoài công việc ở bên Hội phụ nữ, thời gian còn lại lo công việc trong nhà, chăm sóc hai đứa con.
Lòng tôi héo hắt, lắng nghe những tiếng điện thoại reo rồi tắt đi trong thinh không. Mẹ bảo: “Con có biết ba và mẹ có nhau như thế nào không?”. Tôi nhìn mẹ: “ Con chỉ biết mẹ đẻ con ra ở một trạm xá miền núi, hôm đó phải dùng đèn dầu”. Mẹ xoa tay tôi: “ Ừ, nhưng thời gian có nhau của ba mẹ không đủ để yêu thương. Tụi con bây giờ dễ hờn giận quá”.
Rồi gió dịu dàng len vào cửa sổ như hòa trộn vào câu chuyện kể của mẹ với tôi.
Cuộc chiến tranh khốc liệt chống Mỹ cứu nước ngày ấy tất cả thanh niên đều nao nức ra trận. Ba và mẹ cũng lên đường với trái tim lửa không ngại hy sinh. Ba và mẹ gặp nhau khi ba đã bị thương vì một trận bom càn của máy bay địch, được đưa vào trạm xá,. Còn mẹ là một cô thanh niên xung phong, học cấp tốc một lớp sơ cứu nhằm giúp đỡ cho trạm xá dã chiến. Còn lạ lẫm với súng đạn chiến trường nhưng trái tim thanh niên thì đầy lửa cháy, trái tim luôn xót xa với từng cành cây ngọn cỏ bị giẫm đạp. Ba là anh chàng lính trẻ, chưa hề nắm tay người con gái nào chứ nói chi chuyện ôm thân thể người con gái nào đó.
Tình yêu của họ là một vòng ôm của hai thân thể thanh tân trong đêm rừng đầy tiếng đạn bom. Mẹ bảo, đó là lần đầu tiên mẹ được một người đàn ông ôm và đó cũng là lần đầu tiên ba ôm một người con gái. Rồi vài ngày sau thì ba ra chiến trường, ba lại tiếp tục công việc của mình trong bom đạn. Lời hứa hòa bình gặp nhau, trở thành vợ chồng khi ấy chỉ có gió và lá rừng chao vẫy đón nhận, nhưng rất linh thiêng.
Lớn lên trong hòa bình, qua sách báo và nhiều phương tiện truyền thông, tôi biết có những cuộc tình đầy gian khó, thấm đẫm nước mắt trong cuộc chiến. Có những cuộc tình phải lìa nhau mãi, có những cuộc tình dang dở và có những cuộc tình hội ngộ.
Cuộc hội ngộ của mẹ và ba lại xảy ra ở miền núi, nơi tôi sinh ra đời. Khi hòa bình lập lại, ba và mẹ lạc nhau như bao nhiêu người chưa tìm thấy nhau. Ba chỉ nhớ mang máng trong thời gian gặp nhau ngắn ngủi ở trong rừng, trong cơn sốt vì vết thương bom đạn là quê mẹ ở vùng núi cao, có những con đường đầy đất đỏ, đến mùa xuân hoa trắng nở một vùng. Vậy là ba đi tìm. Ba vất vả cả 3 năm trời để tìm ra mẹ. Khi đó mẹ đã trở thành một bà nông dân. Bởi trong chiến tranh, có một lần mẹ suýt chết vì một trái bom nổ. Chính trái bom tung trời ấy với áp lực mạnh đã làm cho mẹ bất tỉnh cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng mẹ vẫn sống để đợi ngày hòa bình, đợi gặp ba.
Đám cưới của ba và mẹ không tổ chức ở nhà hàng, chỉ là bữa cơm nhỏ tại nhà, là những thứ góp nhặt của bạn bè trở thành buổi tiệc. Mẹ nói: “Ba và mẹ phải trải qua bao sóng gió để nuôi hai đứa con, phải trải qua bao thăng trầm để gìn giữ tình yêu con ạ. Ba và mẹ biết rằng thời gian yêu thương còn không đủ, lấy chi để giận hờn” mẹ nắm tay tôi khi nói thế, và tôi hiểu.
Tôi bước ra phố như con chim đang líu lo. Câu chuyện của ba mẹ khiến cho lòng tôi bỗng như mở tung tất cả những cánh cửa. Tôi ra bờ hồ, nơi những nhánh cây cổ thụ đang xà xuống mặt nước, ông hàng kem đang ngắm sóng nước đợi khách. Lần đầu tiên tôi chủ động gọi điện cho Khuê : “Anh, em đang nhớ anh. Em đang ở Bờ Hồ”. Tôi biết anh sẽ ra với tôi, nơi mênh mông nước và cỏ xanh này ngay bây giờ. Anh sẽ ôm tôi mà nói: “Người sinh ra trong cơn bão thường cứng đầu”.
Truyện ngắn của Khuê Việt Trường