Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành khoa học Advanced Materials, các hạt nano được thiết kế có chứa các nhóm axit phenylboronic nhạy cảm với glucose (đường) và các gốc amin, cho phép kết hợp hiệu quả với insulin để hình thành các các phức hợp nano. Kết quả cho thấy sau khi được tiêm một lần phức hợp nano dưới da, những con chuột mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể duy trì mức đường huyết tối ưu trong tối đa 13 giờ.
Liệu pháp tiêm insulin hiện nay yêu cầu người bệnh theo dõi lượng đường huyết trong cả ngày và tiêm nhiều liều được tính toán cẩn thận dựa trên lượng thức ăn nạp vào cơ thể, việc tập thể dục, mức độ căng thẳng, tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu tin rằng nếu phương pháp mới được đưa vào điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, người bệnh chỉ cần tiêm 2 mũi/ ngày.
Phó Giáo sư Francesca Cavalieri của Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết phương pháp mới này không những hiệu quả mà còn có khả năng phân hủy sinh học. Việc sử dụng các phương pháp tự nhiên giúp giảm đáng kể nguy cơ tác dụng phụ hoặc phản ứng miễn dịch. Nhóm nghiên cứu hy vọng dự án sẽ tiếp tục được phát triển và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định (có thể thiếu thậm chí thừa). Đường huyết cao khiến hệ thống mạch máu và thần kinh trên khắp cơ thể bị tổn thương. Dần dần, người bệnh có thể gặp các biến chứng trên mắt, tim, thận, thần kinh, bàn chân…gây mù lòa, suy thận, đoạn chi, đột quỵ, thậm chí tử vong.