Ở các vụ án oan sai, bên trong là nỗi khổ chịu oan ức của bị can, bị cáo, bên ngoài là sự tủi nhục đeo bám người nhà của họ. Nhiều người bị xã hội lên án, sỉ nhục khi có người thân đang bị tù tội…, khiến họ chỉ muốn bỏ đi nơi khác sống.
Từ nhiều năm nay, phòng, chống oan sai là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong công tác tư pháp được nêu rõ trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Quán triệt chủ trương này, các cơ quan tố tụng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng oan sai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Song song với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng có những chế định riêng quy định về hoạt động giám sát theo quy định tại Điều 2, Điều 5, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015. Hoạt động này tập trung vào các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, ngăn chặn hình thành điểm nóng, phòng ngừa oan sai.
Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ, Quốc hội có chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Để thực hiện hoạt động này hiệu quả, các đại biểu Quốc hội, các thành viên trong Đoàn giám sát cần phải có sự quyết liệt và công tâm, thúc đẩy giải quyết vụ việc đến cùng, tìm ra sự thật và đem lại công bằng cho những người bị hàm oan.
Giám sát là một chức năng cơ bản của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thể hiện ý chí của cử tri và là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Giám sát oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết trong công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.