Nga sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine nếu ông Trump khởi xướng

Moskva sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Liên bang Nga.

Chú thích ảnh
Đại diện thường trực của Nga tại Văn phòng Liên hợp quốc Gennady Gatilov. Ảnh: Getty Images

Theo hãng tin Reuters, Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva, ông Gennady Gatilov, tuyên bố như trên với các phóng viên ngày 14/11.

Ông Gennady Gatilov nói: “Ông Trump hứa sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong một đêm. Tốt thôi, hãy để ông ấy thử. Nhưng chúng tôi là những người thực tế, tất nhiên chúng tôi hiểu điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng nếu ông ấy khởi động hoặc đề xuất khởi động một tiến trình chính trị, điều đó được hoan nghênh”.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế trên thực địa và mô tả Ukraine đang ở thế yếu trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm qua. Các lực lượng Nga đang tiến với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất một năm ở Ukraine và hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng chỉ có thể đạt được hòa bình khi toàn bộ lực lượng Nga rút hết và toàn bộ lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm cả Crimea, trở về với Ukraine. Kế hoạch chiến thắng mà ông Zelensky đề ra vào tháng trước vẫn giữ điều khoản này, cũng như kèm thêm cả lời mời Ukraine gia nhập NATO, điều mà Nga từ lâu đã lên án.

Ông Zelensky nói với các nhà lãnh đạo châu Âu ở Budapest tuần trước rằng nhượng bộ Nga sẽ là không thể chấp nhận được đối với Ukraine.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine vào năm 2022 đã mở ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden dẫn đầu các nỗ lực cô lập Nga.

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích quy mô viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine và cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột, dù không giải thích rõ cách thực hiện. Chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 đã làm dấy lên lo ngại tại Ukraine và châu Âu về mức độ cam kết của Mỹ trong hỗ trợ Ukraine trong tương lai.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva nói rằng việc ông Trump đắc cử đã mở ra một khả năng đối thoại mới với Mỹ, nhưng ông tỏ ra hoài nghi về việc thiết lập lại quan hệ rộng hơn.

Ông Gatilov bình luận: “Giới tinh hoa chính trị Mỹ, bất kể những thay đổi chính trị trong nước, vẫn kiên định với lập trường kiềm chế Nga và định hướng này ăn sâu vào gốc rễ, tiếc là thay đổi chính quyền cũng không làm thay đổi nhiều điều đó. Thay đổi duy nhất có thể xảy ra là có đối thoại giữa hai nước, điều đã không diễn ra trong vài năm qua”.

Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, một ý tưởng được đề xuất với ông Trump có chi tiết là Ukraine cam kết sẽ không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Nga trong tương lai.

Kế hoạch cũng sẽ đóng băng tiền tuyến và cả hai bên sẽ đồng ý về một khu phi quân sự. Không rõ ai sẽ kiểm soát khu vực này, nhưng một cố vấn của ông Trump cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không bao gồm quân đội Mỹ.

Đầu năm nay, Keith Kellogg và Fred Fleitz, những người từng phục vụ trong Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đã trình bày với ông một kế hoạch hành động, theo đó Mỹ sẽ trì hoãn cung cấp vũ khí cho Ukraine cho đến khi Kiev đồng ý đàm phán hòa bình với Nga. Ukraine có thể tìm cách giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, nhưng họ sẽ phải thực hiện thông qua đàm phán ngoại giao.

Không rõ ông Trump sẽ theo đuổi chiến lược nào trong số này. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào để khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, chưa nói đến việc ký kết một thỏa thuận, sẽ gặp phải nhiều trở ngại vì Ukraine và Nga tiếp tục theo đuổi các mục tiêu quân sự rất khác nhau và không tìm cách thay đổi. Ngoài ra, sẽ có sự phản đối mạnh mẽ từ một số đồng minh NATO.

Thùy Dương/Báo Tin tức
EU lần đầu sử dụng ngân sách mua sắm chung vũ khí hỗ trợ Ukraine
EU lần đầu sử dụng ngân sách mua sắm chung vũ khí hỗ trợ Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên đã tài trợ cho các quốc gia thành viên mua sắm chung vũ khí, bao gồm tên lửa và đạn dược với một phần trong số đó sẽ được gửi đến Ukraine để giúp nước này chống lại các lực lượng của Liên bang Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN