Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn là nguồn vốn quan trọng cho chủ đầu tư bất động sản trong giai đoạn 2018 - 2021. Tuy nhiên, hoạt động trên thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, gián đoạn.
Theo chuyên gia của Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), đây là trở ngại lớn nhất trong hai năm tới đối với thị trường bất động sản và lĩnh vực ngân hàng.
Quan sát của SSI Research đã chỉ ra rằng, thời gian gần đây, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh. Điều này có thể sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp này. Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc và thanh toán lãi.
Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện đang lưu hành khoảng 945 nghìn tỷ đồng; trong đó, 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Trên cơ sở này, ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ hay trích lập dự phòng cho khoản vay hay trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện. Lúc này, nợ xấu và trích lập dự phòng cũng sẽ là những áp lực tương đối lớn.
Hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam áp dụng phân loại nợ theo phương pháp định lượng, nghĩa là khoản vay sẽ bị coi là nợ xấu nếu quá hạn trên 90 ngày. Các trường hợp ngoại lệ là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BID), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (mã chứng khoán: CTG), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (mã chứng khoán: MBB) áp dụng cả phương pháp định tính và định lượng để phân loại nợ. Khi một ngân hàng thay đổi nhóm nợ của khách hàng, các ngân hàng khác cũng phải thay đổi vì xếp hạng tín dụng theo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) - Ngân hàng Nhà nước cho những khách hàng đó sẽ thay đổi.
Trong kịch bản giả định được giới phân tích đưa ra, ngân hàng sẽ gia hạn hay cho phép cơ cấu lại các khoản vay hoặc trái phiếu được phát hành bởi các chủ đầu tư bất động sản lớn và duy trì phân loại khoản vay hiện tại của những chủ đầu tư này cho đến năm 2023. Các khoản vay bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn sẽ bao gồm các khoản vay của các chủ đầu tư bất động sản quy mô nhỏ hơn và chưa niêm yết trên thị trường. Tuy vậy, khả năng hồi phục sau thời gian được cơ cấu hay gia hạn nợ cũng chưa rõ ràng nên vẫn tiềm ẩn rủi ro liên quan đến bất động sản đối với giá trị sổ sách của nhóm ngân hàng niêm yết.
Ở góc độ nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (Agriseco), thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ bớt ảm đạm hơn từ quý cuối năm 2022 sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo đó, nghị định được ban hành vừa qua sẽ củng cố hành lang pháp lý, khơi thông lại nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào tín dụng ngân hàng. Điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thanh khoản, mất cân đối về cơ cấu thời hạn vốn tín dụng khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn, chiếm khoảng 80% tổng huy động.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu của Agriseco cho rằng, động lực tăng trưởng của nhóm có thể bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng. Trong khi định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước là tăng lãi suất huy động nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Thêm vào đó, Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 1/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã điều chỉnh mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% xuống 34%, việc này cũng có thể khiến chi phí vốn các ngân hàng gia tăng do phải tăng huy động dài hạn khiến chi phí vốn cao hơn.
Tuy nhiên, quan điểm NIM vẫn sẽ có sự phân hóa. NIM có thể ổn định tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và có khả năng huy động vốn từ thị trường quốc tế. Kỳ vọng tỷ lệ CASA tại các ngân hàng sẽ có thể hồi phục trở lại thời gian tới khi tín dụng được nới sau đà giảm chung ở quý II.
Trước đó, kết quả kinh doanh quý III của ngành ngân hàng đã chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận tích cực với NIM được duy trì tốt hơn kỳ vọng. Lãi suất tiếp tục tăng lên và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm đi tại ngân hàng MSB, OCB, CTG và VPB. Do đó, lãi suất tiền gửi bình quân tại các ngân hàng thương mại nhà nước tăng trung bình 30 điểm cơ bản so với quý trước và tại các ngân hàng thương mại cổ phần tăng trung bình 43 điểm cơ bản so với quý trước.
Ngoài ra, chênh lệch tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) khiến NIM có xu hướng phân hóa giữa các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước chứng kiến NIM giảm 5 điểm cơ bản so với quý trước, xuống 3,1%, thì ngược lại ở ngân hàng thương mại cổ phần, NIM tại các ngân hàng này tăng 33 điểm cơ bản so với quý trước lên 5,%. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: STB) là trường hợp đặc biệt với NIM tăng gần gấp đôi so với quý trước lên 4,59% sau khi đã xử lý xong các khoản lãi dự thu tồn đọng.
Thời gian tới, một điểm sáng tăng trưởng được giới phân tích kỳ vọng là thu ngoài lãi với đóng góp chính là khoản thu dịch vụ bảo hiểm (bancassurance). Doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm ước đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Như vậy, mảng kinh doanh bảo hiểm đang dần tăng trưởng tích cực và còn nhiều dư địa với tỷ lệ thâm nhập cùng phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp.
Thêm vào đó, kỳ vọng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực vào đầu năm 2023 sẽ có tác động tích cực tới mảng hoạt động này của ngân hàng. Tới đây, ngân hàng có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm như Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB) đàm phán lại với Prudential, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: HDB) đang tìm kiếm đối tác…
Trên thị trường giao dịch, chốt phiên 29/11, VCB có giá 79.800 đồng, BID có giá 41.000 đồng, CTG có giá 27.400 đồng, ACB có giá 22.150 đồng, MBB có giá 17.200 đồng,VIB có giá 18.950 đồng và thị giá HDB là 15.450 đồng/đơn vị.