Theo đó, chỉ số VN-Index tăng 14,35 điểm, tương đương 1,13%, lên 1.282,21 điểm. Như vậy chỉ số đã lấy lại toàn bộ mức giảm phiên ngày 25/3 (-13,94 điểm) và thậm chí còn nhỉnh hơn một chút. VN30-Index tăng 1,28% nhờ các cổ phiếu vốn hóa trung bình trong rổ tăng nổi bật.
Toàn sàn HoSE có 342 mã tăng giá, 61 mã đứng giá tham chiếu và 139 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức khá thấp so với trung bình 1 tháng qua (khoảng trên 24.000 tỷ đồng), đạt chưa tới 20.000 tỷ đồng.
Ngoài các cổ phiếu trụ, chứng khoán cũng là nhóm có mức tăng rất tốt trong phiên chiều 26/3 dù ngành phải đối mặt với sự cố tê liệt giao dịch tại VNDirect. Theo đó, VIX tăng 3,71%; VCI tăng 2,31%; SSI tăng 1,33%; HCM tăng 0,71%; FTS tăng 1,8%... Riêng VND giảm 2,09%.
Trong phiên chiều 26/3, cổ phiếu ngân hàng cũng có nhiều khởi sắc. Nếu như thời gian dài, mã VPB hoạt động kém sôi động thì nay tăng tốt nhất trên sàn HoSE là 3,7%. Ngoài ra nhiều mã tăng 2% như: HDB, MBB, TCB... Phiên 26/3 tiếp tục ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu VND, sau khi đã giảm 1,44% vào phiên ngày 25/3. Mặc dù thanh khoản có đôi chút giảm so với phiên trước đó (gần 82 triệu đơn vị) nhưng cũng đứng đầu toàn thị trường về khối lượng giao dịch.
Trên sàn Hà Nội chiều 26/3, HNX-Index tăng 1,22 điểm (0,55%), lên mức 242,03 điểm; HNX30-Index đạt 532,84 điểm, tăng 3,97 điểm (0,75%). Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng.
Sự việc VNDirect bị tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến hệ thống giao dịch chứng khoán của công ty tạm thời dừng hoạt động đang là tâm điểm thu hút chú ý của dư luận. VNDirect hiện là một trong những công ty chứng khoán Top đầu Việt Nam, đứng thứ 3 về thị phần môi giới trên thị trường, sau Công ty chứng khoán VPS và SSI. Do đó, số lượng nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ sự cố này là rất lớn. Sự cố hệ thống ngày 25/3 có thể ảnh hưởng lớn tới khoảng cách giữa VNDirect với các công ty chứng khoán top đầu cũng như nhóm bám đuổi (Mirae Asset, TCBS, FPTS...).
Đề cập về sự cố sập mạng của VNDirect, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng Giám đốc VNDirect cho biết: Công ty đã gần hoàn thành việc giải mã tất cả dữ liệu bị phong tỏa và đang bắt đầu quá trình khắc phục hệ thống để có thể kết nối và giao dịch trở lại.
“Hệ thống công ty đã bị tấn công bởi một nhóm tấn công chuyên nghiệp, nhóm này đã mã hóa toàn bộ dữ liệu của công ty. Ngay khi phát hiện sự cố, công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này để tìm ra giải pháp khắc phục”, ông Nguyễn Vũ Long cho biết.
Theo VNDirect, sự cố này sẽ được giải quyết thông qua 2 bước. Thứ nhất là giải mã các dữ liệu bị mã hoá; thứ hai là khôi phục hệ thống. Công ty đã gần hoàn thành việc giải mã tất cả dữ liệu bị phong tỏa và đang bắt đầu quá trình khắc phục hệ thống để có thể kết nối và giao dịch trở lại.
“Công ty dự kiến cần thêm một thời gian nữa, mặc dù đây là hình thức tấn công phổ biến nhưng tương đối phức tạp và cần thời gian để có thể khắc phục", ông Nguyễn Vũ Long chia sẻ.
Đại diện VNDirect khẳng định: Toàn bộ quyền lợi của khách hàng sẽ được công ty đảm bảo, tất cả tài sản của khách hàng tại VNDirect hoàn toàn không bị ảnh hưởng trong sự cố này. Bên cạnh đó, sau khi sự cố được khắc phục, công ty sẽ có những chính sách để đảm bảo thêm quyền lợi cho khách hàng, khắc phục được hậu quả của những ngày không thể giao dịch.
Một điểm đáng lưu ý trong phiên ngày 26/3, cổ phiếu IBC của Công ty đầu tư Apax Holdings (IBC) do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) là Chủ tịch, có giá 1.700 đồng và không có giao dịch. Thực tế, suốt từ phiên 18/9/2023 đến nay, IBC không có giao dịch và vẫn ở mức giá 1.700 đồng/cổ phiếu.
Việc IBC không có giao dịch liên quan đến việc trong thời gian dài, Shark Thuỷ đã vướng vào việc nợ tiền trái phiếu và học phí và cho đến sáng 26/3, Bộ Công an thông báo bắt giam ông Nguyễn Ngọc Thủy với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.