Theo đó, phương án giảm thuế xăng dầu được Bộ Tài chính hướng tập trung vào điều chỉnh thuế BVMT. Theo Bộ Tài chính, thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế BVMT là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong số loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, thuế BVMT hiện chiếm tỷ lệ cao nhất. Khoản này là số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Vì vậy, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh thì chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Dự báo giá dầu tiếp tục leo thang, tạo nên sức ép cho giá thế giới, trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi thuế BVMT với xăng dầu được kỳ vọng là một biện pháp kiềm chế giá trong thời gian tới.
Mỗi lít xăng A95 đang gánh 4.000 đồng thuế bảo vệ mội trường (BVMT), với xăng E5 là 3.800 đồng/lít và dầu diesel là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Không chỉ vậy, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác như: Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng A95 là 10%; xăng E5 là 8%; thuế nhập khẩu 8%…Mỗi lít xăng còn gánh thêm nhiều loại chi phí khác như lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh định mức,…
Nếu tính bình quân thì trong mỗi lít xăng, thuế và phí hiện chiếm khoảng 42 - 43%, còn dầu 21 - 27%. Điều này đồng nghĩa với 1 lít xăng A95 giá hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu 11.000 - 11.300 đồng thuế, phí.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến đề xuất về việc sửa đổi 6 Luật Thuế BVMT, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tài nguyên, Thuế xuất nhập khẩu. Đối với Luật Thuế BVMT, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá kết quả đạt được của Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 trong 10 năm qua (2012-2021) so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng Luật (như góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích việc sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường...
Bộ Tài chính cũng muốn các bộ ngành, địa phương chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật và nguyên nhân (khách quan, chủ quan). Nội dung đánh giá theo từng nhóm vấn đề như: Đối tượng chịu thuế BVMT; Đối tượng không chịu thuế BVMT; Người nộp thuế; Số lượng hàng hóa tính thuế BVMT; Biếu khung thuế; Khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế BVMT và nhóm các vấn đề khác.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đánh giá mức độ phù hợp của Khung và mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đến mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa đang thuộc đối tượng chịu thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khung, mức thuế cho phù hợp. Bộ TN-MT đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để có ý kiến đề xuất, bổ sung đối tượng chịu thuế và Biểu khung thuế BVMT; từ đó đề xuất sửa đổi Luật thuế BVMT cho phù hợp.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu áp lực lớn từ đà tăng mạnh của giá dầu thế giới. Đáng chú ý, ngày 24/2, giá dầu Brent phá ngưỡng 105 USD/thùng lần đầu tiên từ năm 2014 trước những căng thẳng Nga - Ukraine. Do ảnh hưởng giá xăng, dầu thế giới tiếp tục tăng cao, từ 15 giờ chiều 1/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng, dầu tại thị trường trong nước. Đây là lần thứ 6 giá xăng dầu tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022. Cụ thể: Giá xăng E5RON92 tăng thêm 540 đồng/lít, từ mức 25.531 đồng/lít lên mức 26.071 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 550 đồng/lít, từ mức 26.282 đồng/lít lên mức 26.832 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu gồm dầu diesel tăng thêm 510 đồng/lít, từ mức 20.800 đồng/lít lên 21.310 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 19.509 tăng thêm 470 đồng/lít, lên mức 19.979 đồng/lít; dầu mazut hiện là 17.930 đồng/kg tăng thêm 530 đồng/kg lên giá 18.460 đồng/kg.