Ngoài ra, tình trạng bế tắc về trần nợ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng khiến tâm lý ưa thích các tài khoản rủi ro trở nên mong manh.
So với đồng yen Nhật Bản, đồng bạc xanh đã tăng lên mức cao nhất trong gần 6 tháng là 1,80 yen đổi 1 USD vào đầu phiên giao dịch ở châu Á. Diễn biến này phản ánh sự tương phản rõ rệt giữa một Fed vẫn theo quan điểm “diều hâu” và một Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cực kỳ ôn hòa.
Tương tự, đồng bạc xanh đã giữ đồng NDT quanh mức thấp nhất trong 5 tháng gần đây ở mức 7,0547 NDT đổi 1 USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) hôm 22/5 đã giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn, do đồng NDT suy yếu và chênh lệch lợi suất ngày càng lớn với Mỹ đã hạn chế đáng kể phạm vi nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của nước này.
Nỗi lo về lãi suất đã chi phối thị trường. Trong số những quan chức cao cấp tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu hôm 22/5, một số người đã ám chỉ rằng ngân hàng trung ương này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari nói rằng lãi suất của Mỹ có thể phải tăng vượt mức 6% để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Tương tự, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard nói rằng ngân hàng trung ương có thể vẫn cần tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa trong năm nay.
Bà Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết thị trường vẫn đang định giá vào triển vọng Fed sẽ kéo dài chương trình tăng lãi trong thời gian dài hơn. Chuyên gia này nhận định lạm phát tại Mỹ còn cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu và trong ngắn hạn nền kinh tế vẫn hoạt động ổn định. Do đó, bà không nghĩ rằng Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường tiền tệ đang đặt cược Fed có 26% khả năng đưa ra một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản khác vào tháng tới, tăng so với mức 20% cách đây một tuần.
Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay cũng đã thu hẹp lại. Thị trường hiện dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ ở mức 4,7% vào tháng 12/2023.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn lo ngại về các cuộc đàm phán trần nợ ở Mỹ, điều này đã hạn chế tâm lý rủi ro và hỗ trợ đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã kết thúc các cuộc thảo luận vào thứ Hai mà không đạt được thỏa thuận nào về cách tăng trần nợ 31.400 tỷ USD của Chính phủ Mỹ. Các bên sẽ tiếp tục đàm phán khi chỉ còn 10 ngày nữa là tới thời hạn nước này có thể xảy ra vỡ nợ.