Hơn thế, chính sách tăng phí của các ngân hàng đi ngược với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo "an toàn, minh bạch và tiện lợi".
Theo thông báo, kể từ ngày 1/1/2022, khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phải chi trả cho mỗi số điện thoại đăng ký nhận SMS chủ động từ 11.000-77.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) tùy tin nhắn báo biến động số dư tài khoản. Mỗi khách hàng cá nhân của Vietcombank có thể đăng ký tối đa 3 số điện thoại sử dụng dịch vụ SMS. Do đó, nhiều khách hàng phải trả đến cả trăm nghìn đồng trong tháng cho dịch vụ này.
Không chỉ khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mà cả khách hàng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Lý do đằng sau của sự việc này được các ngân hàng đưa ra là cước phí tin nhắn ngân hàng đang cao hơn cước phí thông thường. Các ngân hàng đã phải bù lỗ cho dịch vụ SMS báo thay đổi số dư tài khoản. Nhà mạng không giảm phí dịch vụ tin nhắn buộc các ngân hàng phải tăng mức phí đó với khách hàng.
Song cũng phải thấy rằng giữa bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, khách hàng là người sử dụng dịch vụ của ngân hàng cần được chia sẻ thì chính sách điều chỉnh phí này của các ngân hàng đã gây ra hiệu ứng phản cảm.
Thực tế cho thấy, năm 2021, các doanh nghiệp và người dân gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, ngân hàng vẫn là ngành có lãi lớn. Vietcombank là quán quân lợi nhuận năm 2021 với 27.375 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,7% so với năm trước.
Với lợi nhuận trước thuế đạt gần 23.240 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước, Techcombank giữ vị trí thứ 2 lợi nhuận toàn ngành. Năm 2021, BIDV có lợi nhuận tăng gấp rưỡi so với năm 2020, đạt mức 13.601 tỷ đồng.
Về mức phí của doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng và nhà mạng phải ngồi lại để bàn bạc đưa ra giải pháp hợp lý chứ không thể “đổ” tất cả lên đầu khách hàng như vậy. Bản thân ngân hàng cũng phải có cách truyền thông đầy đủ và phù hợp để khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số… (nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng - App và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP) hoàn toàn miễn phí thay thế tin nhắn dịch vụ ngân hàng.
“Ngân hàng làm dịch vụ thì phải lấy khách hàng chính là đối tượng để phục vụ. Ngân hàng không chia sẻ gánh nặng đó với khách hàng mà lại đẩy cho khách hàng là không nên. Khi đó người tiêu dùng bị thiệt thòi, ảnh hưởng quyền lợi. Việc khách hàng có thể tẩy chay dịch vụ đó để chọn ngân hàng khác hoàn toàn có thể xảy ra.” Ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thẳng thắn chỉ ra điều này.
Đừng đẩy “thượng đế” vào thế kẹt, quyền lợi bị ảnh hưởng, phải lựa chọn giữa việc có tiếp tục sử dụng dịch vụ của ngân hàng hay không. Lúc đó không chỉ người tiêu dùng thiệt thòi mà cả chính ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bởi những điều chỉnh không phù hợp và thiếu chia sẻ với khách hàng!