Được nới room tín dụng, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động

Cuối năm, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tăng cao hơn do phải gấp rút hoàn thành đơn hàng và chuẩn bị cho năm 2022. Vì thế, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi trong dân, tăng thanh khoản cho vay.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh

Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP cho phép địa phương xác định cấp độ dịch bệnh cùng việc nới lỏng nhiều hoạt động kinh doanh theo cấp độ, các doanh nghiệp (DN) đã thuận lợi hơn trong việc sản xuất, kinh doanh cũng như lập kế hoạch cho năm 2022. Theo đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng đã tăng mạnh. Bởi thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hầu như bị chậm lại, thậm chí phải dừng hoạt động do nguồn vốn cạn kiệt.

Chú thích ảnh
Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cuối năm, nhiều doanh nghiệp rất cần vay vốn ngân hàng. 

Nhiều DN cho biết, dịch bệnh và các quy định giãn cách xã hội đã khiến nguồn thu của các DN sụt giảm mạnh, dòng vốn lưu động cũng đã cạn. Nên ngay khi mở cửa trở lại, DN đã có đơn hàng sản xuất nhưng rất cần nguồn vốn để mua nguyên liệu đầu vào cũng như trả lương cho nhân công.

Theo ông Chúc Vệ Hoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lợi Hào, trở lại giai đoạn bình thường mới, DN dự tính thiếu hơn 1.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng đang cần vốn lưu động với nhu cầu vốn tăng gấp đôi so với trước khi có dịch nếu muốn duy trì sản lượng sản xuất.

Để đáp ứng nguồn vốn cho doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất thấp. Trước đó, các ngân hàng cũng đã xin nới room tín dụng để có thể có nhiều dư địa cho vay. Theo các ngân hàng, việc được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng, bởi trong trường hợp không được cấp thêm hạn mức, nhiều ngân hàng chạm trần sẽ không thể tiếp tục cho vay. Điều này không ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng mà cả chính người dân và doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, nếu không được cấp thêm hạn mức thì tín dụng Vietcombank và MB chỉ có thể tăng thêm 0,8-0,9% trong 3 tháng cuối năm 2021; còn Techcombank và BIDV không thể cho vay thêm. Như vậy, sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận khi khoảng 75% tổng doanh thu của các ngân hàng này đến từ thu nhập lãi thuần.

Thực tế, trong 3 quý năm 2021, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp. Tuy nhiên, mới đây, NHNN chính thức nới room cho 11 ngân hàng thương mại (NHTM); trong đó, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20% là TPBank, Techcombank, MSB, MBBank. Ngoài ra, nhóm ngân hàng TMCP nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng được nới room lên 12-15%. Do vậy, ngay khi được NHNN nới room, các ngân hàng đã nhanh chóng đẩy mạnh cho vay.

Thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, đến đầu tháng 11/2021, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tăng 6,7% so với cuối năm 2020. Điều này cho thấy, tín dụng tăng trở lại và đã phản ánh được quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn VND với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) tối đa 4,5%/năm.

Để đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết, hiện các NHTM có gói hỗ trợ lãi suất nhằm chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, SeABank có chính sách cho DN nhỏ và vừa, do phụ nữ làm chủ vay với lãi suất VND từ 5,6%/năm, hạn mức thấu chi không tài sản bảo đảm tối đa 5 tỷ đồng, hạn mức tín dụng thẻ tới 200 triệu đồng…

Trong khi đó, Sacombank có gói tín dụng ưu đãi 20.000 tỷ đồng hỗ trợ DN, cá nhân tháo gỡ khó khăn do COVID-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh đến hết năm 2021 lãi suất 4,5-6,5%/năm. Từ nay đến hết tháng 3/2022, HDBank có gói vay trực tuyến ưu đãi 5.000 tỷ đồng, lãi suất từ 4,99%/năm…

Tăng lãi suất huy động

Chú thích ảnh
Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi trong dân (ảnh minh hoạ).

Để tăng thêm thanh khoản cho vay, các ngân hàng cũng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động. Bởi thời gian qua, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp khiến việc huy động tiền nhàn rỗi từ người dân chậm lại.

Số liệu từ NHNN cho thấy, từ tháng 3/2021 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp, không tháng nào tăng trên 0,5%. Thậm chí trong tháng 8/2021, huy động vốn của ngân hàng chỉ đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7/2021; tháng 9/2021 giảm tới gần 1.500 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng.

Để có đủ nguồn vốn cho mùa cao điểm vay cuối năm, đầu tháng 11/2021, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng từ 0,1-0,5%/năm. Trong đó, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh cũng như tiết giảm chi phí, nhiều NHTM đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm online (trực tuyến) từ 0,3% đến hơn 1%/năm so với tiền gửi tại quầy.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm online của Vietcapital Bank từ tháng 11/2021 tăng 0,2-0,3% và lãi suất cao nhất trên 12 tháng là 6,5- 6,7%/năm. Hiện lãi suất của SCB ở kỳ hạn 6-12 tháng từ 5,7-6,8%/năm nhưng khách hàng gửi online được cộng thêm 0,5%/năm. SHB cũng áp dụng lãi suất tiền gửi online cao hơn khoảng 1% so với thông thường…

Mới đây tại VPBank, lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn đã tăng mạnh tới 0,4-0,8%/năm. Chẳng hạn, khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online, số tiền gửi chỉ từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất tới kịch quy định cho phép là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.

Còn GPBank vừa áp dụng biểu lãi suất mới hiệu lực từ ngày 1/12/2021 và tăng mạnh 0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 6,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, trong khi trước đó chỉ là 6%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 36 tháng, lãi suất của GPBank cũng tăng 0,5 điểm phần trăm lên 6,4%/năm. Các kỳ hạn ngắn cũng tăng mạnh: kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,7%/năm lên 6,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng từ 5,75%/năm lên 6,3%/năm.

Tương tự, Eximbank vừa công bố biểu lãi suất huy động áp dụng từ 1/12/2021. Theo đó, lãi suất tăng thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Trước đó trong tháng 10/2021, Eximbank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng có lãi suất 3,8%/năm, tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước; kỳ hạn 3 tháng lãi suất tăng 0,1 điểm phần trăm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 1 tháng tăng 4 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 3,7%/năm… Đối với hình thức gửi online, lãi suất cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với gửi tại quầy, cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.

Kienlongbank cũng đã tăng lãi suất thời gian gần đây mới mức tăng khoảng 0,16-0,26%. Cụ thể, khi gửi tiết kiệm online kỳ hạn 9 tháng, Kienlongbank áp dụng lãi suất 5,96%/năm, tăng thêm 0,26%/năm so với trước đó. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,16%/năm lên 6,76%/năm.

Hàng loạt ngân hàng khác thì tung chương trình ưu đãi và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm online. Hiện hình thức gửi tiết kiệm online đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng vì tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
FED có thể tăng lãi suất
FED có thể tăng lãi suất

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell ngày 30/11 cho biết FED có thể sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm các nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng cao. Bên cạnh việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu, giới phân tích nhận định FED có thể sẽ sớm tăng lãi suất cơ bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN