Hiện có 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tới 47 bộ, cơ quan Trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch. Đơn cử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới giải ngân đạt 0,25%; Bộ Giáo dục - Đào tạo giải ngân 1,1%; Bộ Khoa học và Công nghệ giải ngân 3,45%. Thậm chí có bộ, cơ quan trung ương đến nay tỷ lệ giải ngân vẫn bằng 0 như Ủy ban Dân tộc; Kiểm toán Nhà nước…
Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).
Về phía địa phương hiện có Thành phố Hồ Chí Minh đang có tỷ lệ giải ngân thấp nhất khi mới đạt 3,48% kế hoạch vốn giao, tiếp đến là Đà Nẵng và Cao Bằng với tỷ lệ giải ngân đạt trên 6%.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong tháng 4/2023, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Qua kết quả kiểm tra đã có đánh giá, nhận định một số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến công tác giải ngân.
Cụ thể: Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. Một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân. Thêm vào đó là các vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
Để đưa dòng vốn đầu tư công sớm hòa cùng dòng chảy nền kinh tế, với chức năng là cơ quan quản lý, thanh toán vốn, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện hồ sơ trình, báo cáo Thường trực Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 2705/VPCP-KTTH ngày 19/4/2023 của Văn phòng Chính phủ. Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 cho các dự án thành phần để thực hiện.
Đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 để đôn đốc việc phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023.
Chủ tịch UBND Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi đã thẳng thắn nêu các nguyên nhân thuộc về chủ quan khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm như: Khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong khâu tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu và địa phương để triển khai công việc.
“Việc này TP Hồ Chí Minh đã có chấn chỉnh. Vừa qua, Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thành lập 13 Tổ kiểm tra, đôn đốc công trình, dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi cho biết.
Theo Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng là rất cần thiết. Tuy nhiên việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật… cũng cần phải có thời gian để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công thuộc về địa phương, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giao ban hằng tuần về công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đánh giá tiến độ từng việc, từng dự án. TP Hồ Chí Minh sẽ "nỗ lực từng ngày" để thực hiện mục tiêu đề ra là giải ngân không dưới 95% trong năm 2023.