“Trường hợp phát hiện vi phạm thì ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật, cần làm rõ các dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho hàng hoá vận chuyển qua các khu vực này của công chức hải quan cũng như các lực lượng chức năng khác”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Qua theo dõi tình hình cho thấy, việc thực hiện tại một số đơn vị hải quan không thống nhất, không đúng quy định dẫn tới nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Để đảm bảo việc xuất khẩu, tái xuất hàng hoá đúng quy định, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hải quan đối với hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hoá quá cảnh, hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu và hàng hoá gửi kho ngoại quan xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá kinh doanh quá cảnh theo đúng quy định tại các Hiệp định quá cảnh hàng hoá giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Campuchia, Lào và Trung Quốc.
Cục hải quan các tỉnh, thành phố đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu và các lực lượng kiểm soát hải quan, trực ban, thanh tra nội bộ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan tại các khu vực lối mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi xuất khẩu, tái xuất hàng hoá không đúng cửa khẩu quy định.
Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về hải quan và Trực ban tổng cục tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, tuần tra, kiểm soát trực tiếp hoặc thông qua hệ thống quản lý seal định vị điện tử, camera giám sát lắp đặt tại các khu vực cửa khẩu.