Cụ thể: Sau 10 ngày kể từ ngày kích hoạt hệ thống áp dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố, đã có khoảng 40.000 doanh nghiệp đăng ký áp dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Nghị định có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng HĐĐT, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
“Bước đầu kết quả rất khả quan, mặc dù có một số vướng mắc trong giai đoạn đầu liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm. Cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng, giải đáp thường xuyên thắc mắc cho doanh nghiệp đảm bảo việc lập HĐĐT để gửi đến cơ quan thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng”, ông Lưu Đức Huy cho biết. Đến nay, Tổng cục Thuế đã đăng tải công khai thông tin của 40 tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ triển khai HĐĐT. “Trước đây, nhiều doanh nghiệp lo ngại lộ trình ngắn nhưng thời gian qua đã có bước chuẩn bị tốt. Lợi ích thấy rõ nhất là tránh được tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, tránh dùng hóa đơn bất hợp pháp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phát hành lưu giữ cũng như công tác liên quan đến hoàn thuế. Với các công ty bán lẻ hay các tổ chức giao dịch nhỏ, ứng dụng HĐĐT rất thuận tiện cho việc quản trị, tiết kiệm chi phí và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn”.
“Trước đây có tình huống mua hàng hóa thật nhưng đến một lúc nào đó thì hóa đơn, chứng từ lại thành không hợp lệ. Với HĐĐT, người nộp thuế rất an tâm - đây là điều rất quan trọng”, ông Phùng Huy Tâm - Giám đốc Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm chia sẻ. Điều cốt lõi là doanh nghiệp được tham gia vào thời đại số hóa thời gian thực. Nhờ đó doanh nghiệp có thông tin về “sức khỏe” của các doanh nghiệp khác. “Với cơ quan thuế - công tác quản lý vi mô và vĩ mô cũng là thời gian thực, tức là điều hành và dự báo hỗ trợ người nộp thuế tốt”, Giám đốc Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm cho biết.
Để thực hiện theo quy định của Luật, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai HĐĐT theo 2 giai đoạn và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định; giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 thực hiện tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai HĐĐT; đồng thời ra mắt Hệ thống “Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT”. Hệ thống Trung tâm điều hành là bộ phận thường trực giúp Ban chỉ đạo, Tổ thường trực trong tổ chức, chỉ đạo triển khai HĐĐT từ Tổng cục Thuế đến 6 Cục Thuế thực hiện thí điểm HĐĐT (cả giai đoạn tiếp sau khi triển khai tại 57 tỉnh, thành phố).
Việc đẩy mạnh áp dụng HĐĐT của ngành Thuế hiện cũng phù hợp với “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Đặc điểm của hóa đơn điện tử theo quy định mới
Theo Thông tư 78, có 2 loại HĐĐT gồm: HĐĐT có mã của cơ quan thuế và HĐĐT không có mã của cơ quan thuế; theo định dạng chuẩn của cơ quan thuế; khi sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế thì cơ sở kinh doanh (người bán hàng) phải chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.
Tùy vào đặc điểm cơ sở kinh doanh mà có hai hình thức chuyển dữ liệu hóa đơn: Chuyển theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn cùng Tờ khai thuế GTGT; chuyển ngay dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế (trường hợp chưa chuyển được ngay thì chậm nhất là trong ngày phát sinh hóa đơn cơ sở kinh doanh phải chuyển cho cơ quan thuế).