Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB vừa đưa ra báo cáo nhận định về động thái Ngân hàng Nhà nước cắt giảm các lãi suất chính sách với một số điểm đáng chú ý.
Theo UOB, động thái giảm lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ bản (xuống 5,5%) có hiệu lực từ ngày 3/4 của Ngân hàng Nhà nước không gây bất ngờ do Ngân hàng Nhà nước đã công bố giảm các loại lãi suất liên quan khác từ ngày 16/3.
Một động lực khác cho Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất là do tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2023 của Việt Nam bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong quý IV/2022. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay lại thị trường sau các rối loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ và châu Âu (sự sụp đổ của Ngân hàng SVB và việc UBS mua lại Credit Suisse) đã giảm bớt và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Các chuyên gia của UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong quý II/2023. Điều này có nghĩa, lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản trước thời điểm cuối quý II/2023 để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trong nước.
“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu. Hướng tập trung của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng sẽ là xu hướng tập trung quản lý lạm phát trong nước”, báo cáo của UOB nhận định.
Lạm phát đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,18% so với cùng kỳ trong quý I/2023 và thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,5%, lạm phát cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu giảm đáng kể. Tuy vậy, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá cả lương thực, năng lượng và các dịch vụ công khác) trong quý I/2023 đã tăng lên mức 5,01%, từ 4,76% trong quý IV/2022 và 3,17% trong quý III/2022.
UOB cho rằng, bên cạnh những cân nhắc về giá tiêu dùng, bất kỳ sự cắt giảm lũy kế nào lớn hơn 100 điểm cơ bản sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của ngành ngân hàng ở Hoa Kỳ và châu Âu, đặc biệt mức độ ảnh hưởng kéo dài từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài một năm của Fed đến nhu cầu trên toàn cầu.
Trong báo cáo nhận định mới đây, Maybank Investment Bank cũng cho rằng, động thái nới lỏng lần này của Ngân hàng Nhà nước không quá bất ngờ do phải hành động nhanh chóng để hỗ trợ nền kinh tế khi tăng trưởng chững lại. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ muốn chắc chắn rằng lạm phát vẫn được kiểm soát trước khi tiếp tục hạ lãi suất hơn nữa.
Maybank Investment Bank kỳ vọng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tiếp theo sẽ thực hiện trong quý II/2023. Bởi tăng trưởng có thể sẽ vẫn yếu do xuất khẩu liên tục yếu và ảnh hưởng bởi thanh khoản bất động sản, trong khi lạm phát được kiểm soát nhờ tăng trưởng chậm và giảm phát vận tải.
Rủi ro chính đối với dự báo là nếu tăng trưởng tăng đáng kể trong quý II, điều này sẽ làm giảm nhu cầu nới lỏng chính sách hơn nữa. Động lực chính của sự phục hồi có thể là tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến được thúc đẩy từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Ở thời điểm hiện tại, việc mở cửa trở lại chưa mang lại sự thúc đẩy có ý nghĩa nào cho xuất khẩu và du lịch.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 như Chính phủ đã đề ra, các chuyên gia cho rằng, cần có các biện pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế phục hồi tăng trưởng; trong đó, việc giảm chi phí vốn là biện pháp cần thiết. Môi trường lãi suất thấp hơn sẽ giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí vay vốn, qua đó thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Do đó, việc điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cần còn nhiều yếu tố bất định được xem là khá kịp thời và linh hoạt. Thời điểm hiện tại là khoảng dừng để theo dõi hiệu quả chính sách lên nền kinh tế.