Lãnh đạo Sacombank nêu lý do không chia cổ tức

Trong năm 2022, ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng cao tới 44%, giá trị cổ phiếu cũng tăng, nhưng tại sao lại không chia cổ tức cho cổ đông?

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Sacombank. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Đây là câu hỏi nhiều cổ đông thắc mắc tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) tổ chức sáng 25/4 tại TP Hồ Chí Minh.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do chưa thể chia cổ tức trong năm nay, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank chia sẻ, bản thân ông cũng là cổ đông Sacombank, cũng muốn được chia cổ tức sau nhiều năm mua cổ phần. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Hiện ngân hàng đã cơ bản xử lý nợ xấu, nhưng vẫn còn phần cổ phiếu của ông Trầm Bê. 

Theo ông Minh, hiện Sacombank cũng đã trình lên Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng mua lại và bán đấu giá phần cổ phần này của ông Trầm Bê. Dự kiến trong quý IV/2023, Sacombank sẽ thực hiện đấu giá phần cổ phần này. Nếu xử lý xong thì ngân hàng mới được xem là tái cơ cấu thành công.

“Chúng tôi phấn đấu trong năm nay giải quyết xong việc này, và sau đó tiến hành chia cổ tức. Năm 2023 được xác định là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu, sang năm cổ đông không phải nghe chất vấn về việc chia cổ tức nữa. Sacombank đã trình phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ và đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức”, ông Dương Công Minh cho biết.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết thêm, lợi nhuận giữ lại hiện khoảng 12.700 tỷ đồng. Quỹ này các cổ đông sở hữu, khi nào Ngân hàng Nhà nước cho phép mới có thể chia cổ tức cho cổ đông.

Trên thực tế, không chỉ riêng năm nay, việc chia cổ tức luôn được cổ đông ngân hàng này quan tâm trong các kỳ đại hội đồng cổ đông những năm qua. Trong lần gần nhất, Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, Sacombank dự kiến trích 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; 10% sau trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ cho quỹ dự phòng tài chính; 7% cho quỹ khen thưởng và 7% cho quỹ phúc lợi.

Đại diện Sacombank cho biết, việc trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo luật và việc trích lập này hàng năm rất nhỏ, khoảng 400 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 11%, lên mức 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%. HĐQT sẽ điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Về lợi nhuận, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm 2023 là 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022. Đây cũng là một trong số ít ngân hàng thương mại lên kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh trong năm nay bất chấp điều kiện vĩ mô, hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Riêng trong quý I/2023, Sacombank ghi nhận lãi trước thuế đạt 2.3 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và hoàn thành 25% kế hoạch kinh doanh năm 2023.

H.Chung (TTXVN)
HDBank chia cổ tức 25%, năm 2023 tiếp tục kế hoạch tăng trưởng bền vững
HDBank chia cổ tức 25%, năm 2023 tiếp tục kế hoạch tăng trưởng bền vững

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – HOSE: HDB) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 họp ngày 26/4/2023 tới đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN