Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi mới, được áp dụng từ ngày 16/7. Theo đó, VPBank đồng loạt tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 2 đến 18 tháng; riêng các kỳ hạn 1 tháng, 24 tháng và 36 tháng được giữ nguyên.
Đáng chú ý, VPBank là ngân hàng thương mại thứ 11 có sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động kể từ đầu tháng 7/2024 đến nay. Trước đó, một số ngân hàng tư nhân lớn như MB, VIB, Eximbank… cũng đã nhập cuộc tăng lãi suất tiền gửi trong tháng này.
Theo Ngân hàng UOB Việt Nam, từ đầu quý II/2024, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng. Đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 đến 1 điểm % cho các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ Ngân hàng Nhà nước như: lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn.
Tuy nhiên, hai mức lãi suất điều hành chính thức là lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Điều này cho thấy thông điệp rõ ràng từ cơ quan quản lý là ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ thị trường.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, các diễn biến trên cho thấy chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ từ Cơ quan quản lý trong thời gian qua. UOB Việt Nam giữ nguyên quan điểm đối với các diễn biến lãi suất trên thị trường. Những mức lãi suất mang tính chất thương mại như huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng… đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như: chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…
Theo ông Quang, các mức lãi suất thương mại nêu trên đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, từ quý II/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới. Dẫu vậy, mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định.
“UOB dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25 đến 0,75 điểm %, tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6%. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024”, ông Quang cho biết.
Bà Trần Thanh Huyền, Trưởng phòng Đầu tư cấp cao của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức rất thấp, thấp hơn cả ở thời kỳ COVID-19 khoảng 1 điểm %. Thậm chí, so với mức lãi suất tiếp kiệm trung bình 10 năm qua (khoảng 6,2 - 6,3%/năm), mức lãi suất huy động hiện tại đang thấp mức lãi suất trung bình này tới 1,5 điểm %.
Theo bà Huyền, có nhiều lí do khiến mặt bằng lãi suất thấp thời gian qua như: tín dụng đầu năm tăng trưởng chậm, dòng tiền đổ về kênh tiết kiệm nhiều, trong khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và lạm phát vẫn ở mức khiêm tốn.
“Ở thời điểm hiện tại, trước áp lực lạm phát và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp hút tiền, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng lên, cộng thêm các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh tín dụng, khiến huy động từ dân cư nhiều lên. Ngoài ra, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cũng có dấu hiệu ấm dần, tạo ra sự cạnh tranh với kênh tiền gửi. Do đó, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm và có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm %”, bà Trần Thanh Huyền phân tích.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự phóng mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích thêm 0,7 đến 1 điểm % từ nay đến cuối năm, lên mức tương đương với vùng đáy trong giai đoạn COVID-19.
Theo KBSV, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Ở kịch bản cơ sở, tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ; cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế giao dịch chênh lệch lãi suất.
Những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Ngoài ra, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Với diễn biến tăng trở lại của chi phí huy động vốn gần đây, cộng đồng doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ bật tăng trở lại, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được giữ ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế hồi phục.
KBSV cho rằng, lãi suất cho vay đã tạo đáy và nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ trong thời gian tới. Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các ngân hàng tư nhân có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào.
“Ngay cả khi lãi suất huy động tăng thêm 1 điểm %, thì mặt bằng lãi suất cũng chỉ dao động quanh thời kỳ COVID-19, vẫn trên cơ sở hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất cho vay thời gian tới theo đó có thể tăng nhẹ hơn so với mức tăng của lãi suất huy động, để tiếp tục duy trì ở mức ổn định, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh”, bà Trần Thanh Huyền, Trưởng phòng Đầu tư cấp cao của VinaCapital nhận định.