Nhiều gói tín dụng ưu đãi
Theo các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động đều đang rất thấp, là cơ sở để các ngân hàng tính toán thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, với mức lãi suất hấp dẫn người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Vietinbank vừa thông báo giảm lãi suất lần 2 chương trình "Vay ưu đãi - Khởi sắc tương lai" với mức lãi suất cho vay thấp nhất từ 5,2%/năm đối với ngắn hạn và 5,8%/năm cho vay trung dài hạn. So với thời điểm công bố cuối tháng 1, lãi suất cho vay này đã giảm tới 0,5%/năm.
Còn Vietcombank cho vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay trong 6 tháng đầu tại nhà băng này chỉ từ 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) và 6,3%/năm đối với các khoản vay trung - dài hạn.
Tại SHB, mức lãi suất cho vay 5,79% được mời chào trong gói ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp cũng có mức lãi tương tự và tùy vào từng nhu cầu vay, cho cả các khoản ngắn hạn và trung dài hạn. Theo đại diện SHB, đây là chương trình ưu đãi trong gói 10.000 tỷ của ngân hàng, đã giảm tới 0,6%/năm so với trước đây.
Tương tự, BIDV cũng dành hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi. Với lợi thế về quy mô, lãi suất đã được điều chỉnh giảm sâu xuống dưới 5%/năm, tức là chỉ tương đương mức huy động của một số ngân hàng nhỏ hơn. Theo đại diện BIDV, mức lãi suất này đã giảm so với lãi suất cho vay thông thường đối với ngắn hạn là 1%, với trung dài hạn có thể lên đến 1,5% hoặc cao hơn. Mức lãi suất cho vay trong gói đối với khách hàng cá nhân thấp nhất là 4,3% và đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ chỉ từ 4,8%/năm".
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, các ngân hàng còn cạnh tranh cả chính sách cho vay. Cụ thể, bên cạnh việc đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp không cần tài sản đảm bảo để thu hút người vay, Vietcombank còn hỗ trợ khách hàng mở hồ sơ online để tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí về mặt tiếp cận tín dụng. Bởi theo ngân hàng Vietcombank, hiện có gần 14 triệu tỷ đồng gửi trong hệ thống ngân hàng, nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Điều này gây áp lực cạnh tranh cho các ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng chậm.
Đại diện Agribank cũng cho rằng, với cuộc đua giảm lãi suất cho vay để tăng tín dụng cho vay, những ngân hàng nào có chính sách tốt, hỗ trợ khách hàng nhiệt tình thì lợi thế cạnh tranh sẽ về ngân hàng đó. Chính vì thế, các khách hàng chưa bao giờ đi vay mà thuận lợi như bây giờ.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, thu nhập của người dân giảm do tình hình kinh tế khó khăn sau tác động dài của hậu COVID-19. Thị trường bất động sản trầm lắng do chính sách cho vay được siết chặt khiến nhu cầu mua nhà cũng giảm mạnh. Trong khi đó, hàng trăm ngàn tỷ đồng vẫn đang nằm trong ngân hàng sinh lãi. Nếu không khơi thông dòng vốn, các ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu kinh doanh trong năm nay, bởi tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng vẫn chủ yếu nhờ tín dụng (chiếm gần 80% cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng thương mại).
Lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục giảm
Để không chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đầu vào và đầu ra, các ngân hàng cho biết sẽ còn hạ lãi suất huy động trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong tuần qua đã có 4 ngân hàng thương mại công bố tăng nhẹ lãi suất huy động.
Cụ thể, ngân hàng SHB tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 1 và 2 tháng lên 2,8%/năm, sau khi lần lượt tăng thêm 0,2 và 0,1 điểm phần trăm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm, lên 4,9%/năm; kỳ hạn 13 - 15 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 5%/năm; kỳ hạn 18 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm, lên 5,2%/năm.
Các kỳ hạn còn lại, SHB vẫn giữ nguyên và giao động từ 3 - 4,4%/năm. Ở kỳ hạn 24 và 36 tháng cũng được giữ nguyên, lần lượt ở mức 5,5% và 5,8%/năm. Đây cũng là những kỳ hạn có lãi suất huy động cao nhất hiện nay tại SHB nói riêng và các ngân hàng nói chung.
Trước SHB, Eximbank cũng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 3 tháng kể từ ngày 22/3, Saigonbank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 - 36 tháng kể từ 19/3. Tuy nhiên, các ngân hàng này chỉ tăng nhỏ giọt ở một số kỳ hạn nhất định. Xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay vẫn là giảm lãi suất huy động.
Đáng chú ý, trong tuần qua, Techcombank vừa công bố tăng lãi suất huy động thì ngày hôm nay (26/3) lại bất ngờ thông báo giảm lãi suất. Cụ thể, Techcombank giảm lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng từ 2,7%/năm xuống còn 2,3%/năm, tương ứng giảm 0,4 điểm phần trăm.
Trong khi đó, các kỳ hạn còn lại Techcombank vẫn duy trì ổn định trong lần cập nhật mới nhất. Theo đó, kỳ hạn từ 6 - 8 tháng còn 3,4%/năm; 9 - 11 tháng có cùng chung mức lãi suất là 3,45%/năm; kỳ hạn từ 12 - 36 tháng là 4,4%/năm. Đặc biệt, đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường, trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng với mức hạn mức từ 999 tỷ đồng trở lên sẽ được áp dụng mức lãi suất là 9,5%/năm. Ngoài ra, các khoản tiền gửi không kỳ hạn vẫn được ấn định lãi suất ở mức 0,05%/năm.
Cùng ngày, VIB cũng công bố giảm lãi suất huy động. Theo đó, với hình thức tiết kiệm trực tuyến, VIB điều chỉnh giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi, áp dụng tại các kỳ hạn 3 - 18 tháng.
Sau điều chỉnh, lãi suất tại kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm về mức 3,8%/năm; 7 - 11 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm còn 4,1%/năm; kỳ hạn 15 - 18 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 4,8%/năm.
Đối với hình thức gửi tiền tại quầy, lãi suất khách hàng nhận được sẽ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với hình thức gửi tiền online, hiện đang dao động trong khoảng 2,4 - 4,9%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 10 triệu đến dưới 300 triệu, kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Nhìn chung, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank mặc dù lãi suất đang rất thấp, nhưng vẫn chiếm khoảng 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống. Số liệu mới nhất được công bố cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng đến cuối năm ngoái của Agribank đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng, BIDV là 1,704 triệu tỷ đồng, Vietinbank là 1,411 triệu tỷ đồng và Vietcombank là 1,396 triệu tỷ đồng.
Như vậy, trong một tháng qua, có 25 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất tại hầu hết các kỳ hạn. Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, việc đều hạ lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm - mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây của nhóm Big 4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Trên thực tế, đà giảm lãi suất tiết kiệm đã kéo dài suốt một năm qua, bắt đầu từ tháng 3/2023. Lãnh đạo các ngân hàng và giới phân tích nhận định, mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất khó quay lại mức cao như giai đoạn năm 2022.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý 1/2024 và khó có khả năng giảm thêm, chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 - 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024.