Tại tòa án liên bang Mỹ, ngân hàng Julius Baer đã thừa nhận về âm mưu rửa tiền cho các quan chức của FIFA và các liên đoàn bóng đá ở châu Mỹ. Những khoản tiền này được các hãng truyền thông hối lộ cho các quan chức trên để đổi lấy quyền phát sóng các trận đấu bóng đá. Theo thỏa thuận dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ, ngân hàng có trụ sở tại Zurich này đã đồng ý nộp phạt hơn 79 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc, trong đó có 43,3 triệu USD tiền phạt hình sự và 36,4 triệu USD tiền bồi thường. Với thỏa thuận này, Julius Baer được hoãn truy tố trong 3 năm.
Julius Baer đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được với nhà chức trách Mỹ. Ngân hàng này nhấn mạnh thỏa thuận đánh dấu một bước đi nữa của Julius Baer trong nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm chấm dứt các vấn đề pháp lý còn tồn đọng.
Trước đó, tháng 6/2017, Jorge Luis Arzuaga, một cựu nhân viên làm việc tại các văn phòng Montevideo (Uruguay) và Zurich (Thụy Sĩ) thuộc ngân hàng Julius Baer, đã nhận tội tham gia đường dây tham nhũng và hối lộ tại FIFA. Arzuaga cùng với các giám đốc điều hành tiếp thị thể thao, trong đó có ông Alejandro Burzaco, cựu Giám đốc điều hành Công ty Tiếp thị Torneosy Competencias có trụ sở tại Argentina, đưa hối lộ cho các quan chức FIFA. Ông Burzaco đã nhận tội vào tháng 11/2015.
Cách đây 6 năm, làng bóng đá thế giới rúng động khi nhiều quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ vì bê bối tham nhũng. Cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ năm 2015 nhắm tới 14 quan chức nhận hối lộ của FIFA trong vòng 24 năm, với số tiền lên đến 150 triệu USD... Kể từ đó đến nay, nhiều lãnh đạo cấp cao của FIFA, trong đó có cựu Chủ tịch Sepp Blatter, đã liên tiếp nhận các án phạt. Sau khi ông Blatter từ chức, năm 2016, ông Gianni Infantino đã đánh bại một loạt ứng viên nặng ký để ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch FIFA. Ông Infantino luôn khẳng định sẽ không bao giờ để vấn nạn tiêu cực và tham nhũng có chỗ đứng ở cơ quan bóng đá quyền lực nhất hành tinh này.