Theo đó, đối với nhiệm vụ hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 2/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 84.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 44.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng. Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số khó khăn, vướng mắc như khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là tâm lý e ngại thanh kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó số tiền hỗ trợ lãi suất đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất.
Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (điển hình như Agribank có 50% dư nợ khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh).
Bên cạnh đó còn một số khó khăn khác như khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; một số khách hàng đã được hỗ trợ theo các chương trình tín dụng của ngân sách địa phương; khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề..
Nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng tại chi nhánh 63 tỉnh, thành phố nhưng đến nay, không có doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nào có thắc mắc, khiếu nại về việc đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ mà giao Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách để Bộ Kế hoạch Đầu tư có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Các ngân hàng thương mại cổ phần về cơ bản tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt; chỉ đạo Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.
Đối với việc xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. Đối với SCB, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian tới để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng với chi phí hợp lý để chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
Cùng với đó, điều hành lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước, quốc tế và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng tuyệt đối không chủ quan với rủi ro lạm phát và nguy cơ mất an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.