Theo đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh tăng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn tiền gửi kể từ hôm nay 27/3.
Cụ thể, VPBank tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (online) đối với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng; các kỳ hạn còn lại tăng 0,2%/năm.
Hiện lãi suất tiền gửi online tại VPBank là 2,4%/năm với kỳ hạn 1 tháng; 2,7%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng; 4,2%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng; 4,5%/năm với kỳ hạn 12-18 tháng và 4,9%/năm với kỳ hạn 24 tháng trở lên.
Đối với tài khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, và tài khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất sẽ được lần lượt cộng thêm 0,1 và 0,2%/năm.
Trước VPBank, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... cũng được điều chỉnh tăng, nhưng chỉ lác đác tại một số kỳ hạn.
Như tại SHB, lãi suất tiền gửi trực tuyến mới nhất kỳ hạn 1 và 2 tháng đang niêm yết mức 2,8%/năm, tăng từ 0,1-0,2%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng cũng được SHB tăng nhẹ thêm 0,1%/năm lên lần lượt là 4,9 và 5,2%/năm. Các kỳ hạn từ 13-15 tháng, SHB tăng thêm 0,2%/năm lãi suất tiền gửi lên mức 5%/năm.
Cùng xu hướng, Saigonbank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn dài. Lãi suất tiền gửi trực tuyến tại Saigonbank đối với kỳ hạn 18 và 36 tháng lần lượt tăng thêm 0,2 và 0,4%/năm lên thành 5,6 và 5,8%/năm.
Trong khi đó, Eximbank lại niêm yết tăng lãi suất huy động trực tuyến tại hầu hết các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất áp dụng cho kỳ hạn từ 1-3 tháng hiện từ 3,1-3,4%/năm, tăng 0,3%/năm so với trước đó.
Ở chiều ngược lại, xu hướng giảm lãi suất vẫn diễn ra phổ biến. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa tiếp tục giảm 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-5 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống còn 2,5%/năm; 2 tháng còn 2,6%/năm và từ 3-5 tháng còn 2,8%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2%/năm tại tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống, lĩnh lãi cuối kỳ đang được ACB niêm yết từ 2,1-2,3%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng; từ 3,3-3,6%/năm cho kỳ hạn từ 6-9 tháng; từ 4,3-4,5%/năm cho kỳ hạn từ 12-36 tháng.
Không chỉ các ngân hàng nhỏ, loạt ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây đều đã hạ lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm.
Trong báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), các chuyên gia nhận định lãi suất huy động có thể tạo đáy trong quý I/2024. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng có thể nhích thêm 25-50 điểm cơ bản, trở về mức 5,25-5,5%/năm trong năm 2024.