Lãi suất cao nhất lên đến 8,3%
So sánh lãi suất gửi tiết kiệm các ngân hàng hiện nay, rất nhiều ngân hàng tăng lãi suất từ 0,5% - hơn 1% cho kỳ hạn từ 6 – 12 tháng. Riêng gửi không kỳ hạn, lãi suất tăng không đáng kể và dao động từ 0,1% - 0,2%/tháng.
Hiện nay, ngân hàng VietinBank có mức lãi suất áp dụng cho gửi tiền trực tuyến không kỳ hạn cao nhất so với các ngân hàng khác là 0,25%.
Ở mức thời hạn từ 1 - 3 tháng, nếu gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng VIB, GPBank, PGBank, SCB có mức lãi suất cao nhất là 4%. Tiếp theo là ngân hàng PVCombank, Bắc Á, VietCapital với 3,9%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%. Thấp nhất là ngân hàng MBBank với 2,5% cho kỳ hạn 1 tháng, 3,2% cho kỳ hạn 3 tháng.
Với kỳ hạn 6 tháng, GBBank tiếp tục giữ mức lãi suất là 6,5%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại. Thấp nhất là các ngân hàng thuộc Big4 (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), với mức lãi suất 4%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB với mức lãi suất 7,3%. Thấp nhất là 4,85%/năm thuộc về ngân hàng MBBank. Ở kỳ hạn 13 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là ABBank với mức lãi suất 8,3%, thấp nhất là Agribank với 5,5%.
Với những kỳ hạn dài hơn như 18, 24, 36 tháng, ngân hàng SCB, KienlongBank có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,3%, thấp nhất là Vietcombank với 5,3%.
Gửi tiết kiệm online tăng thêm 0,2 – 1%
So với gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất tiết kiệm online hầu hết ở các ngân hàng đều cao hơn. Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng VIB, SCB, PvcomBank có mức lãi suất cao nhất đang áp dụng là 4%.
Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 3,5 – 4 %. Thấp nhất là ngân hàng Hong Leong Bank với 3,15%/năm.
Với các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng, SCB tiếp tục là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất: kỳ hạn 12 tháng là 7,3%, kỳ hạn 18-36 tháng là 7,5%. Đứng sau là ngân hàng Nam Á Bank với mức lãi suất 7,2% cho kỳ hạn 12 - 13 tháng và 7,4% cho kỳ hạn từ 18 - 36 tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động tiết kiệm một phần cũng bởi áp lực lạm phát, trong khi lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng trước đây ở mức khá thấp. Bên cạnh đó, không ít ngân hàng nâng lãi suất kỳ hạn dài hạn để hút nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2022, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 4,88% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 2,41% so với cuối năm 2021.