Câu chuyện tuy không mới nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trước thực tế trên, phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết "Ngăn sở hữu chéo" ghi nhận loạt ý kiến chuyên gia và những người làm chính sách xoay quanh những nguyên nhân và giải pháp căn cơ nhằm hạn chế và chấm dứt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Bài 1: Cần thêm cơ chế song hành cùng rào cản kỹ thuật
Tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng kéo theo nguy cơ nợ xấu, tăng vốn ảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống ngân hàng và niềm tin nhà đầu tư.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được đưa ra thảo luận tại Quốc hội mới đây đã quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là cá nhân, tổ chức và người có liên quan, đồng thời sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng...
Tuy nhiên, những rào cản kỹ thuật này liệu đã đủ mạnh để xử lý dứt điểm sở hữu chéo?
Tăng rào cản kỹ thuật
Nhìn lại năm 2012 khi vụ bầu Kiên - tức ông Nguyễn Đức Kiên - thao túng ngân hàng liên quan đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị phanh phui, thị trường tài chính ngân hàng trong nước đã có một phen "rúng động". Đã hơn 10 năm qua đi, những chiêu trò lách luật để sở hữu chéo ngày một tinh vi hơn, bất chấp nhiều giải pháp kiểm soát đã được áp dụng.
Không khó để nhận thấy vụ việc xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hồi tháng 10/2022 đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), đã có nhiều quy định nhằm ngăn chặn sở hữu chéo và trên giấy tờ, sổ sách, không phát hiện ra tình trạng sở hữu chéo. Nhưng thực tế tình trạng này vẫn tồn tại một cách rất tinh vi. Chiêu thức phổ biến nhất là mỗi người sở hữu một lượng nhỏ cổ phần nhưng cấu kết thao túng hoặc nhờ người đứng tên... khiến pháp luật rất khó kiểm soát.
"Sở dĩ xảy ra việc lách luật như trên là do khả năng kiểm soát thu nhập, dòng tiền chưa mạnh, một số cơ quan chức năng không có đầy dủ thẩm quyền điều tra mà phải phối hợp với các cơ quan khác như thuế hoặc công an khiến việc kiểm soát không hiệu quả", ông Độ chỉ rõ.
Đồng quan điểm, ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận thực tế sở hữu chéo thể hiện qua góp vốn, cổ phần chỉ là bề nổi đang được nhiều tổ chức phù phép, cơ cấu, đứng tên cá nhân tổ chức khác, tận dụng ghi nhận doanh thu lợi nhuận ảo, từ đó tăng vốn ảo, chiếm dụng vốn, thao túng cổ phiếu...
"Chính từ mối quan hệ phức tạp giữa doanh nghiệp và ngân hàng nên khi xảy ra rủi ro dễ xuất hiện hiệu ứng domino, rủi ro lan truyền, tức rủi ro không chỉ xảy đến với hoạt động ngân hàng, mà còn nhanh chóng lan ra các tổ chức khác do liên quan đến nguồn vốn kinh doanh, đầu tư...", ông Đồng cho hay.
Đứng trước thực tế này, Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan tương ứng từ các mức 5%, 15% và 20% xuống còn 3%, 10% và 15%. Đồng thời dự thảo luật cũng điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng.
TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá quy định giảm tỷ lệ sở hữu sẽ là hàng rào kỹ thuật gây khó cho sở hữu chéo. Bởi với quy định mới, để kiểm soát doanh nghiệp - ngân hàng, cần phải cấu kết với nhiều đối tượng hơn, phần nào sẽ làm khó và hạn chế ở mức độ nào đó tình trạng sở hữu chéo.
TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhận định việc quy định tỷ lệ sở hữu, giới hạn hạn mức cấp tín dụng trước đã có áp dụng, nay đưa chi tiết vào luật sẽ giúp giảm sở hữu chéo do minh bạch hơn và giảm rủi ro.
Gỡ nút sở hữu
Nhìn nhận việc giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu, giảm hạn mức cấp tín dụng sẽ có tác động ngăn chặn sở hữu chéo, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chỉ riêng quy định trên là chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Ngọc, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, song hành cùng các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu, cần tập trung làm rõ, mở rộng phạm vi nhóm người liên quan. Hiện các quy định mới xử lý đến công ty con, cần mở rộng hơn nữa đến các công ty "cháu - chắt...".
Ngoài ra, theo quy định hiện tại, cổ đông sở hữu tỷ lệ từ 5% là cổ đông lớn và mới có trách nhiệm công bố thông tin. Câu hỏi ông Ngọc đặt ra là khi giảm tỷ lệ xuống còn 3% thì trách nhiệm công bố thông tin của nhóm cổ đông này sẽ ra sao? Và chế tài xử lý thế nào cho 2% giảm đi của cổ đông?
"Muốn cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng cơ chế chi tiết cho phần tỷ lệ giảm đi sẽ được xử lý, mua/bán ra sao?", ông Ngọc nói.
Cùng mối quan tâm, ông Hà Sỹ Đồng đề xuất mở rộng đối tượng công bố thông tin với cá nhân, tổ chức sở hữu từ 1% cổ phần trở lên, đồng thời tăng giám sát nội bộ và khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, mở room thu hút vốn ngoại, khuyến khích mua bán sáp nhập để tránh sở hữu chéo...
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ, giải pháp quan trọng nhất để chặt đứt sở hữu chéo là phải công khai, minh bạch thu nhập và có cơ quan chức năng giám sát được dòng tiền.
"Sở hữu chéo không phải chỉ xảy ra tại Việt Nam, nhưng ở các nước khác, kinh nghiệm là đề cao tính minh bạch, cơ quan thuế có đủ quyền lực kiểm soát được thu nhập, dòng tiền để từ đó ngăn chặn sở hữu chéo. Đồng thời pháp luật quy định rõ ràng và xử lý mạnh tay các hoạt động mang tính sở hữu chéo, thao túng doanh nghiệp - ngân hàng", ông Độ chia sẻ.
Nêu ý kiến về Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận Luật này giống như một bộ luật để các tổ chức tín dụng dựa vào trong hành xử và khẳng định cần phải quy định đủ mạnh nhằm chấm dứt triệt để tình trạng sở hữu chéo.
"Nghị quyết của Trung ương lần này nói là chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu. Quan trọng không phải là 5% hay 3% mà trong luật của các nước, khi sở hữu cổ phần trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo để người ta biết được nhóm người liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng đó", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bài cuối: Đâu là giải pháp căn cơ?